Doanh nghiệp Nhà nước thực sự khó?
Nguồn gốc của đề xuất trên xuất phát từ tác động của dịch Covid-19 và câu chuyện của Vietnam Airlines (VNA) được đưa ra như một minh chứng. Quý I/2019, doanh thu hợp nhất của VNA giảm hơn 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo đến quý IV/2020, tổng doanh thu của VNA có thể giảm hơn 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ gần 20.000 tỷ đồng. VNA có lượng tiền dự trữ khoảng hơn 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt và DN này đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Thay vì xin tiền, các TĐ,TCT nên xin cơ chế phù hợp, làm sao để DN năng động, linh hoạt, sáng tạo hơn, từ đó có thể khai thác hiệu quả khối tài sản lớn. Chỉ cần khối DNNN tăng 5% doanh thu thì GDP cả nước sẽ tăng 1%. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung |
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, CMSC cho biết, doanh thu của các TĐ, TCT do CMSC làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các TĐ, TCT sẽ giảm khoảng hơn 270.000 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 TĐ, TCT bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng hơn 26.300 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng hơn 32.800 tỷ đồng so với kế hoạch.
Như vậy, có thể hiểu đề xuất của CMSC là dẫn lại đề xuất của các TĐ, TCT. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu chỉ nhìn vào VNA để cho rằng đó là bức tranh chung của DN thì không hẳn chính xác vì VNA là DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Những DN như VNPT, MobiFone, Vinafood, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản không đến mức khó khăn như vậy, thậm chí báo cáo tài chính của các TĐ, TCT còn cho thấy họ có dư tiền rất lớn.
Tăng hiệu quả đầu tư
Quay trở lại đề xuất được vay vốn ưu đãi trong thời gian trung hạn của VNA, không ít chuyên gia lên tiếng lo ngại. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ: “Tôi rất mong các TĐ đừng than vãn và đi xin tiền Nhà nước. Lúc này, Nhà nước đang dốc sức hỗ trợ toàn quốc gia gồng mình chống dịch, mà còn phải đi hỗ trợ TĐ Nhà nước thì có lẽ sẽ là điều hơi phản cảm”.
Một e ngại khác đến từ hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN. Một phân tích của TS Bùi Trinh - Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực DNNN, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm. DNNN từ mức 1,8 đồng vốn tạo ra 1 đồng doanh thu thuần năm 2011, đến năm 2017 phải cần tới 3,05 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần. Trong giai đoạn 2011 - 2017, hệ số tăng vốn, doanh thu thuần của DNNN lên tới 12,6 và đây là một con số đáng báo động về hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN. Hiệu quả đầu tư thấp do thất thoát, lãng phí...
Cũng đã có những lo ngại về việc khu vực ngân hàng vốn chưa hẳn tái cấu trúc toàn diện thành công sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nay tiếp tục cho vay dễ dãi sẽ đẩy nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là các khoản tín dụng lớn của DNNN. Tính đến cuối quý III/2019, thống kê trên 25 ngân hàng thương mại cổ phần có thuyết minh về nợ xấu cho vay cho thấy, tổng giá trị nợ từ nhóm 3 - 5 ở mức 96.290 tỷ đồng, tương đương tăng gần 13.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2018, tức tăng 15,5%. Các ngân hàng có nợ xấu tăng lớn nhất gồm BIDV, SHB, VCB và VPB. Tất nhiên, khách hàng dẫn tới nợ xấu của những ngân hàng trên không hoàn toàn là DNNN nhưng không thể phủ nhận, nhiều khoản vay từ khu vực này đang được xếp vào dạng khó đòi. Chẳng hạn các khoản vay của DN thuộc họ Vinachem, 12 dự án ngành công thương...
Hệ thống ngân hàng không phải là nguồn cơn gây bệnh cho nền kinh tế, mà trong lúc này, nó phải được bảo vệ để trở thành công cụ hỗ trợ nền kinh tế vực dậy sau đại dịch. Một nghiên cứu của Đại học RMIT cũng cho thấy, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng như khủng hoảng thắt lưng buộc bụng sau đó, các chính sách như giảm lãi suất trở nên kém hiệu quả hơn trước đây. Vì vậy, các nhà hoạch định cần tính toán kỹ càng. “Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phải thực hiện cả hai và nên tập trung vào hỗ trợ người dân, DN nhỏ” - chuyên gia của đại học này nhấn mạnh.