Hôm nay (29/4), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã chủ trì họp Tổ chuyên gia xây dựng “Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” nhằm góp ý dự thảo Đề cương Đề án.
Đổi mới việc ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ
Nhấn mạnh tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Thứ trưởng cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài trong sự phát triển quốc gia và trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã đặt ra nhiệm vụ "Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ T.Ư đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các DN lớn". Tại Nghị quyết 132/NQ-CP ngày 24/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCH T.Ư Đảng khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Kế hoạch 10-KH/TW ngày 6/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức T.Ư và các cơ quan nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Công chức Sở Nội vụ Hà Nội tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính |
Báo cáo dự thảo Đề cương Đề án, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Tổ trưởng Tổ chuyên gia Tạ Ngọc Hải cho hay: Mục tiêu chung của Đề án là thu hút, trọng dụng người có tài năng phục vụ chiến lược phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN... Đối tượng là mọi hoạt động phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với người có tài năng (nhân tài) ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; phạm vi là các cơ quan nhà nước và đơn vị SNCL trên cả nước.
Đáng lưu ý về giải pháp, sẽ chú trọng đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); gắn chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển KT-XH, nguồn lực đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến nâng cao nhận thức của CBCCVC và Nhân dân đối với phát hiện nhân tài. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có triển vọng tài năng; quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị SNCL trong công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng người có tài năng; xử lý nghiêm người lợi dụng chính sách nhân tài để trục lợi, phạm pháp…
Cần có “thang đo” đánh giá người tài
Chia sẻ kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, các thành viên Tổ chuyên gia cũng đề xuất cần thu hút các chuyên gia nước ngoài trong công tác này, vì kinh nghiệm của họ sẽ giúp Việt Nam trong mối quan hệ với nước ngoài, xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng, tiếp thu tinh hoa thế giới áp dụng tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Tổ đề nghị các chính sách phải được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, khi vừa qua các bộ, ngành, địa phương có nhiều chính sách thu hút trọng dụng nhân tài nhưng chưa hiệu quả, nên cần nghiên cứu vướng mắc ở đâu. Đầu tiên, phải rõ khái niệm thế nào là nhân tài và có “thang đo” cụ thể, lượng hóa được hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá người tài; nếu không, các chính sách sẽ chỉ là lý thuyết, rất khó phát hiện nhân tài. Phát hiện nhân tài như “đãi cát tìm vàng”, nên phải nhận diện được nhân tài, vì nếu không biết “vàng” thế nào thì tìm sao được? Hơn nữa, việc phát hiện này phải từ thực tiễn, chỉ quần chúng mới đánh giá được một người có tài hay không; phát hiện càng sớm càng tốt để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí phù hợp năng lực, sở trường. Ngoài ra, cần đề cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu, bởi khi nguồn nhân lực không thuộc sở hữu của thủ trưởng cơ quan thì khó phát hiện, trọng dụng nhân tài. Không những vậy, xác định được vị trí nào cần người tài; khi sử dụng người tài cần được đánh giá thường xuyên, tạo môi trường làm việc bình đẳng, minh bạch, thủ trưởng biết lắng nghe và tạo “tự do trong khuôn khổ” để họ phát huy khả năng.
Công chức phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân |
Về cơ chế thu hút, các chuyên gia đề nghị cần xác định thu hút từ đâu và có cơ chế đãi ngộ khác biệt mới có thể thu hút được nhân tài- đây là “đường thông” cho các cơ quan sử dụng nhân tài. Theo đó, có thể là cơ chế “dự án”, “chương trình đặc biệt” của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước. Đề án cũng cần xây dựng các phương thức tuyển dụng để hướng dẫn từng nhóm đối tượng; không nên chú trọng bằng cấp mà cần chú trọng năng lực, vì năng lực phù hợp từng lĩnh vực. Đặc biệt, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan Nhà nước, khi các cơ quan đang yếu về việc này, còn khối DN đã làm từ rất lâu. Các cơ quan Nhà nước cần chủ động thực hiện, trong đó có thể xây dựng quỹ tài năng Quốc gia để phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, tức là xây dựng mối quan hệ cung - cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Vụ Công chức-Viên chức, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước (cơ quan soạn thảo) tiếp thu đầy đủ ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án. Tổ chuyên gia cần phân công cụ thể cho các thành viên xây dựng những chuyên đề, tiếp tục nêu kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Trình Thủ tướng xem xét, quyết định Đề án trong tháng 8/2020
Trước đó, ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định 297/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài (thay thế Quyết định 470/QĐ-BNV ngày 5/6/2019). Mục đích là nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về người tài nói chung, trong đó có chính sách thu hút nhân tài gốc Việt về làm việc tại Việt Nam, chính sách với nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử, Trưởng BCĐ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; cơ chế phát hiện, bồi dưỡng tài năng từ HS-SV, nhất là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong, ngoài nước để tạo nguồn cán bộ lâu dài
Để triển khai xây dựng Đề án, Bộ Nội vụ sẽ gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; tổng hợp kết quả nghiên cứu của chuyên gia và khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo và hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 8/2020. Trong đó, Bộ sẽ tiến hành khảo sát tại 5 bộ (KH&CN, GD&ĐT, Ngoại giao, LĐ-TB&XH, Tư pháp) và 5 địa phương (Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh); trên cơ sở đó đánh giá những hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa ra giải pháp, kiến nghị để thực hiện hiệu quả chính sách này.