Vùng đất của truyền thuyết
Đồ Sơn là khu nghỉ mát và tắm biển nổi tiếng ở miền Bắc, được thiên nhiên ưu đãi cảnh sắc tuyệt đẹp hòa quyện sơn thủy hữu tình. Nơi đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn, với mặt biển lấp lánh, những rừng cây xanh mướt, nhiều khu nghỉ dưỡng tráng lệ và ẩm thực độc đáo.
Núi Đồ Sơn chạy dọc theo bán đảo được ví như con rồng lớn, Hòn Dáu chính là viên ngọc vờn trước miệng rồng. Đến Hòn Dáu, du khách sẽ được tận hưởng những cảnh quan đẹp, thiên nhiên hoang sơ ít bị con người can thiệp. Không khí trong lành, thoáng mát nơi đây phù hợp cho những ai muốn yên tĩnh thư giãn nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng.
Truyền thuyết kể rằng, đời nhà Lê khi vua ngự giá đến vùng đất kinh lý, đêm ở đảo Dáu, vua mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ tay cầm cần câu vai đeo chiếc rộng đến cạnh và xưng là thần đảo. Hôm sau vua lên thuyền và kể lại cho cận thần nghe, rồi vua phán nếu là thần đảo thực hãy cho ta một báo ứng. Vua dứt lời, có một con cá quẫy mạnh lên thuyền, thấy nghiệm vua bèn phong tước hiệu Thần vương và truyền bản xứ lập ngôi đền để thờ - ngôi đền thờ đó người dân gọi là đền thờ Lão Đảo Thần Vương.
Trên đảo còn có ngọn Hải đăng - cây đèn biển tượng trưng cho sức sống của đảo chưa một ngày ngừng sáng. Đây chính là cây đèn biển nổi tiếng của Việt Nam được xây dựng từ đầu những năm 1902.
Trên đảo còn có đền thờ bà Đế được xây dựng khoảng những năm 1736 dưới chân ngọn núi Độc. Nơi đây quanh năm gió thổi mang theo hơi thở ấm nồng và sự mặn mòi của biển. Sóng rì rào ngày đêm, sóng triền miên không bao giờ dứt như thể kể lại nỗi oan của người con gái năm nào.
Truyền thuyết kể rằng có người con gái tuổi 18 đã đem lòng yêu chúa Trịnh Doanh khi ngài đi kinh lý Đồ Sơn, nàng đã dâng trọn tấm thân trinh trắng cho chúa và khi ra về chúa đã hẹn sẽ quay trở lại đón nàng. Nhưng nhiều tháng sau chờ mãi không thấy chúa quay lại, cái thai trong bụng ngày một to mà không thể thanh minh hay giải thích. Nàng bị dìm xuống biển mà chết.
Sau này, chúa ân hận và phong nàng là “Hậu Đế”. Từ đó, người đời gọi bà là bà Đế và cho xây đền thờ gọi là đền Bà Đế. Nơi thờ bà vô cùng linh thiêng và ứng nghiệm cho những ai thiện tâm về cầu xin những nỗi oan khuất trong cuộc đời.
Đến Đồ Sơn - nghe biển hát
Đồ Sơn còn rất nhiều danh thắng nổi tiếng như Tháp Tường Long, chuông chùa Vân Bản, chùa Hang... Du khách đến nơi đây có thể len lỏi qua những cánh rừng, đồi thông bạt ngàn theo gió. Một chút nắng rải vàng dưới chân, một chút âm thanh lạo xạo tất cả đều vô cùng thú vị. Đâu đó trên bãi cát vàng, dưới làn nước của biển lạc vào tiếng lá khô xào xạc, quả phi lao khô nằm lăn lóc. Và cả hình ảnh những con tàu yên nghỉ giữa trưa hè phảng phất mùi cá biển người dân mang ra hong nắng...
Đến Đồ Sơn, đa phần du khách muốn tận hưởng bằng cảm giác “tắm biển”, dầm mình và bơi lội thỏa thích trong làn nước mặn mòi của biển. Sóng Đồ Sơn không to không nhỏ, muốn có cảm giác mạnh du khách hãy tới khu I vào buổi chiều để ngắm những con sóng như đang băm bổ vào kè đá làm bắn tung tóe bọt nước. Hoặc từ trên nơi chót bán đảo nhìn ngắm bãi đá ngổn ngang ngờm ngợp sóng vỗ.
Biển và nắng Đồ Sơn không làm hỏng da chỉ làm da đỏ lên đôi chút vì ít người biết rằng nơi đây là nước của ba con sông đổ ra. Nhiều người sẽ ghen tị khi họ biết bạn đang tắm nắng Đồ Sơn và họ cũng mong có một ngày ra biển giống bạn. Ban đêm, biển đẹp Đồ Sơn sẽ mang đến những cảm giác lạ cho du khách, khi ánh trăng lấp lóa trong làn nước, ánh đèn và những khoảng sáng lăn dài trên đầu con sóng.
Liên hoan du lịch “Đồ Sơn - Điểm hẹn du lịch 2017” được tổ chức từ ngày 30/4 - 1/5 với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn trên địa bàn quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Một số hoạt động nổi bật được tổ chức, tạo điểm vui chơi, thưởng thức các sản phẩm du lịch như: Hội đua thuyền rồng trên biển và biểu diễn dù bay; Giải bóng chuyền nữ bãi biển; Hội chợ thương mại du lịch, giới thiệu các điểm di tích, văn hóa du lịch trên địa bàn. Đây là sự kiện lớn của người dân TP Cảng nhằm quảng bá sâu rộng các sản phẩm du lịch tới du khách trong và ngoài nước. |