Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến khi nào Hà Nội mới là Thành phố không đốt rơm rạ?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng đốt rơm rạ ảnh hưởng tới môi trường, UBND TP Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực với những giải pháp hiệu quả, hướng tới “Thành phố không đốt rơm rạ” vào năm 2020.

Bài 1: Hệ lụy từ thói quen cũ

Bài 2: Lộ trình cho giải pháp không khói

Thiếu chế tài

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đối với rơm rạ, hiện các địa phương đang đốt bỏ khoảng 36,4% tổng lượng phát sinh. Tỷ lệ đốt bỏ rơm rạ cao nhất tại huyện Đan Phượng (90%), tiếp đến là các huyện: Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Gia Lâm (60%)… Đối với các phụ phẩm nông nghiệp khác, tỷ lệ đốt bỏ cũng ở mức 31,2%. Không chỉ gây lãng phí, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, việc đốt rơm rạ nói riêng, phụ phẩm nông nghiệp nói chung còn tạo ra nhiều khí thải độc hại như CO2, CO, CH4, N2O, SO2… Trong đó, chiếm chủ yếu là CO2 với ước tính phát thải lên tới 273.000 tấn/năm. Cùng với đó là khoảng 6.500 tấn CO, 2.400 tấn bụi bay vật chất dạng hạt. Khí thải gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.
 Rơm, rạ được phơi trên đường giao thông sau mùa mùa gặt tại huyện Phúc Thọ. Ảnh:  Huy Hoàng
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, người dân chưa nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường, đồng thời, chưa thay đổi được thói quen đốt rơm rạ. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có quy định, chế tài đối với việc đốt rơm rạ, chưa quyết liệt trong việc xử lý. Phương án thu mua rơm của các DN trồng nấm và làm thức ăn cho gia súc cũng là phương án hữu hiệu nhưng vẫn còn một số khó khăn như: DN có yêu cầu về chất lượng rơm, độ ẩm, rơm đã được cuộn chặt và vận chuyển… “Hiện nay, TP vẫn đang tiếp tục triển khai, huy động các nguồn lực và tìm kiếm các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ hiệu quả nhằm đến năm 2020 đạt kết quả đúng theo lộ trình đề ra là: Thành phố không đốt rơm rạ” – ông Thái cho biết.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo ông Mai Trọng Thái, theo lộ trình, năm 2018, với thông điệp phường/xã không đốt rơm rạ, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các cấp chính quyền và tổ chức, đơn vị vừa truyền truyền vừa tiến hành xử lý triệt để việc đốt rơm rạ trên địa. Năm 2019, thực hiện quận, huyện không đốt rơm rạ. Năm 2020, quyết tâm đạt mục tiêu Thành phố không đốt rơm rạ (100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn không còn hiện tượng đốt rơm rạ). Sau năm 2020, tiếp tục duy trì không đốt rơm rạ trên địa bàn TP.

Ngày 13/6, Sở TN&MT ban hành Văn bản số 4705/STNMT-CCBVMT đề nghị các UBND các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc đốt rơm, rạ trên cánh đồng ruộng, không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu. Xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã đôn đốc và hướng dẫn 20 quận, huyện, thị xã còn trồng lúa trên địa bàn TP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về tác hại của việc đốt rơm rạ và đưa ra các giải pháp hạn chế cụ thể: Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân hữu cơ, trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, làm đệm lót sinh học, làm sản phẩm thủ công… Vụ Xuân năm 2018, Sở đã lựa chọn huyện Đông Anh và Đan Phượng thí điểm mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”, phát chế phẩm sinh học miễn phí cho các hộ gia đình tham gia mô hình (chế phẩm Fito – Biomix RR xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, trong đó Đan Phượng trên 190ha, Đông Anh 180ha).

Ngoài phương pháp xử lý bằng chế phẩm sinh học, Sở TN&MT tìm kiếm được 6 DN thu mua rơm rạ với mục đích trồng nấm, làm thức ăn gia súc... và kết nối đến các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP. Đồng thời, Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm sống, học tập vì môi trường và cộng đồng Live & Learn lựa chọn 4 xã trên địa bàn huyện Đông Anh cam kết thực hiện không đốt rơm rạ để hỗ trợ xây dựng khu vui chơi cho trẻ em bằng các sản phẩm tái chế và rơm rạ của chính người dân. Tiến tới vụ Mùa năm 2018, Sở TN&MT sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai đồng loạt nhiệm vụ hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP. “Hiện tại, phương án hiệu quả nhất TP sử dụng là sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ” – ông Thái cho biết.