KTĐT - Ngay từ sáng sớm, từ mọi ngách trong khe núi trên các đảo, hàng chục con thuyền gỗ mỏng manh chở các em lớn, nhỏ trong bộ đồng phục học sinh lênh đênh trên lòng hồ rộng 2.600 ha vào mùa cạn (vào mùa lũ là 3.000 ha), nhằm thẳng hướng trường học mà vội vã tay chèo trong cái rét “cắt thịt".
Học trò ở xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang ở cả 4 cấp đều đến trường bằng cách cuốc bộ “xé rừng, băng sông", vượt suối gần 7 km với gần 6 tiếng đồng hồ.
Đến lớp "trên miệng Hà Bá"
Xã Sơn Hải là một quần thể các "đảo" trong lòng hồ Cấm Sơn hợp lại, với 740 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thưa thớt trên các triền núi của đại ngàn. Vì thế thuyền bè là phương tiện giao thông đi lại chính của những người dân lao động và học sinh nơi đây.
Ngay từ sáng sớm, từ mọi ngách trong khe núi trên các đảo, hàng chục con thuyền gỗ mỏng manh chở các em lớn, nhỏ trong bộ đồng phục học sinh lênh đênh trên lòng hồ rộng 2.600 ha vào mùa cạn (vào mùa lũ là 3.000 ha), nhằm thẳng hướng trường học mà vội vã tay chèo trong cái rét “cắt thịt".
Đợi mãi không một bóng phà, hay xuồng máy, chúng tôi gửi xe nhà dân “bấm bụng” xin đi ké thuyền của các em học sinh để đến trường tiểu học Sơn Hải. Con thuyền chông chênh trên sóng nước với chiều rộng không đến 1m, chiều dài khoảng 6m được đóng từ gần chục miếng ván gỗ, nước cứ tí tách rỉ qua kẽ các miếng ván vào thuyền ngập quá mắt cá chân. Trên thuyền có 6 học sinh, 4 em lớn thay nhau chèo thuyền còn 2 em nhỏ thì hì hục tát nước trong thuyền ra. Các em đều là học sinh tiểu học. Xung quanh, trên lòng hồ rộng lớn đều là các tay chèo nhí. Sóng mạnh, con thuyền chao đảo làm tôi rùng mình nhưng trên nét mặt hồn nhiên của các em không thoáng một chút sợ hãi.
“Ngày nào chẳng vậy, chúng em quen rồi! Hôm trước thuyền của chúng em bị lật may là có các cô các bác đi chợ cứu không thì…”, câu nói vô tư của Vi Văn Hải học lớp 4E khiến tôi chạnh lòng. Các em tâm sự ngày trước thường xuyên xảy ra các vụ lật thuyền, cũng có nhiều người bị chết đuối trong đó đa số là học sinh, nhưng từ năm 2008 nhà trường tặng cho mỗi học sinh một chiếc áo phao, vẫn có lật thuyền nhưng chưa có ai bị chết đuối. Và cũng từ khi có những chiếc áo phao đó thì bố mẹ các em cũng không còn đưa đón con mình đến lớp như trước. Hàng ngày các em lớp lớn thì đưa đón các em lớp nhỏ, cùng đặt sinh mạng của mình trên con thuyền mỏng manh lật lúc nào không biết, cùng nhau vật lộn với sóng nước để đến trường học chữ.
Trường tiểu học xã Sơn Hải có 24 lớp với 493 học sinh thì trong đó 60% các em phải chèo thuyền đi học. Còn trường THCS có 310 học sinh thì đến 200 em cũng phải dùng thuyền làm phương tiện đến lớp. Xã có 5 thôn thì thôn Đồng Mậm, Đấp, Cầu Sắt là xa trường học nhất và thôn nào cũng rộng, để đến trường các em ở 3 thôn đó ngày nào cũng phải dậy từ lúc gà gáy đi bộ gần 10km ra bến rồi lại tiếp tục 2h chèo thuyền tới lớp. Hai thôn còn lại là Tam Trẽ, Cổ Vàng học sinh không phải đi thuyền tới lớp, nhưng để đến trường học một cách nhanh nhất thì các em phải “xé rừng”, vượt suối theo hướng trường học mà đi.
Nhận xét về các học trò của mình cô Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Hải nói trong tự hào: “Từ năm 2000 trở lại đây nhà trường không có một học sinh nào bỏ học, khó khăn gian nan là thế nhưng các em không bao giờ chịu lùi bước. Số lượng học sinh giỏi luôn đạt trên 15%, học sinh học lực yếu chỉ chiếm 4%”.
Giải pháp có nhưng khó thực hiện
Năm 2010, lần đầu tiên ở Sơn Hải cậu học trò người Nùng Vi Văn Dũng đậu hai trường đại học. Em là tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập. Dũng đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, học sinh Sơn Hải đua nhau học tập với mong ước “được về xuôi học đại học như anh Dũng”. Để chắp cánh cho những ước mơ ấy thì trước mắt phải làm sao cho con đường đến lớp của các em bớt nhọc nhằn hơn.
Với địa thế của Sơn Hải ước mơ về một cây cầu sẽ rất khó thực hiện. Nhưng Sơn Hải có thể lập ra các bến cố định ở các thôn, với các thuyền được tranh bị đầy đủ phao cứu hộ giao cho đoàn thanh niên quản lý để đưa đón các em học sinh.
Hiện nay mô “hình nhà bán trú dân nuôi” ở Sơn Hải đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên mới chỉ có 4 phòng ở và 37 em được sử dụng mô hình này. Vì vậy Sơn Hải nên tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng mô hình “nhà bán trú dân nuôi”. Nhà trường có nhà bán trú phải có lịch sinh hoạt hàng ngày, quản lý giờ giấc học tập, vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự và phụ đạo các học sinh yếu kém.
Song theo ông Vi Văn Sáo, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải thì cả hai giải pháp trên đều gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện, vì địa bàn xã rộng dân cư lại không ở tập trung, còn mô hình “nhà bán trú dân nuôi” nếu chỉ dựa vào ngân sách của một xã với 93% là hộ nghèo thì không thể thực hiện được.
Đã đến lúc cần sự chung tay của cả xã hội và ngành giáo dục cùng tấm lòng của các Mạnh Thường Quân để con đường đến lớp nuôi ước mơ đại học của các em bớt nhọc nhằn hơn.