Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đền Nội Bình Đà xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đền Nội Bình Đà, khu lăng mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với không gian lễ hội Bình Đà xứng đáng được nâng hạng lên Di tích quốc gia đặc biệt bởi những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 29/6, UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Cần thiết làm sống lại di sản

Việc tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tuyên truyền giá trị di tích, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các  giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ của di tích Đền Nội Bình Đà. Từ đó, bổ sung cơ sở khoa học, tư vấn và gợi ý các giải pháp quan trọng để huyện Thanh Oai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích; tích cực huy động nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đền Nội Bình Đà.

Chủ trì hội thảo.
Chủ trì hội thảo.

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan khẳng định, việc nâng cấp di tích không chỉ đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai nói riêng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô Hà Nội và đất nước nói chung; tạo điều kiện cho Nhân dân và du khách thập phương đến thưởng ngoạn, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

“Lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân huyện Thanh Oai trân trọng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, lãnh đạo TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hôi Di sản Văn hóa Việt Nam, các cơ quan Trung ương, TP, các nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm tuyên truyền về giá trị di tích và tiếp tục đầu tư, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt” – ông Bùi Hoàng Phan nhấn mạnh.

 

Hội thảo Khoa học là công việc quan trọng, một bước đi cần thiết để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Oai. Hội thảo cũng đánh giá cao chủ trương của lãnh đạo huyện Thanh Oai; ghi nhận tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Ban quản lý di tích, cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và từng bước phát huy di sản văn hóa địa phương.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Báo cáo đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: "Thông qua Hội thảo khoa học, Ban tổ chức sẽ bổ sung, cập nhật tư liệu, những căn cứ pháp lý mới, những tài liệu khoa học nhằm củng cố hồ sơ. Lãnh đạo huyện Thanh Oai, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có định hướng về việc nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia Đền Nội Bình Đà, về công tác bảo tồn di sản của địa phương đạt hiệu quả tốt nhất".

Nhận diện những giá trị nổi bật của di sản

Đền Nội Bình Đà gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà bây giờ chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các Vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà đã lập đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).

Đền Nội Bình Đà xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1
Đền Nội Bình Đà xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2
 

Màn tái diễn về truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân đặc sắc tại 
Lễ hội Bình Đà năm 2023. 

Sử sách cũng ghi rõ, năm Nhâm Thân (1032), Vua Lý Thái Tông mở Lễ hội Tịch điền ở vùng Đỗ Động Giang thuộc đất Bảo Đà, nhà vua đã Hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại Đền Nội Bình Đà và Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Năm 2010, nhân Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền Nội được Nhà nước và TP Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế trong khuôn viên 10.000m2, mang đậm bản sắc phương Đông. Đền được xây theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân. Trước tiền môn là sân ngoài kề bên ao sen rộng 500m2.

Cửa đền nhìn ra hướng Tây, nơi tương truyền là khu đất táng mộ Lạc Long Quân. Điều đáng quý là trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu trên 1.000 năm tuổi, độc nhất vô nhị đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bức phù điêu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang.

Cùng với đó, khu ao sen, cây quéo cổ thụ, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, trống đồng Đông Sơn, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ. Đền Nội lần lượt được công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia và Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia các năm 1985, 1990.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã thống nhất cao khi nhận định về những giá trị nổi bật của Đền Nội Bình Đà.  Đó là những kiến trúc cổ, các di vật từ nhiều năm trước đã mang lại những giá trị nghệ thuật văn hóa sâu sắc và độc đáo.

Theo TS Phạm Quốc Quân, điểm nhấn của di tích là bức phù điêu Đức Tổ Lạc Long Quân nghìn năm tuổi, có giá trị biểu tượng rất cao, đó là sự hòa trộn giữa nghi lễ tôn giáo và văn hóa dân gian; trở thành bảo vật cho giới nghiên cứu và du khách.

Đền Nội Bình Đà xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 3
Đền Nội Bình Đà xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 4
 

Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại hội thảo. 

Khẳng định giá trị xã hội – nhân văn, GS.TS Trương Quốc Bình cho rằng: "Lễ hội Bình Đà góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tạo thêm môi trường giáo dục về lịch sử, văn hóa cho các thế hệ. Chính vì thế, sức hút của lễ hội Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã và đang vượt khỏi phạm vi một làng, trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa – lễ hội truyền thống cuốn hút cộng đồng từ nhiều vùng, miền trong cả nước".

Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo đều nhất trí cao và ủng hộ chủ trương của huyện Thanh Oai về nhận diện giá trị và lập hồ sơ khoa học Di tích quốc gia đặc biệt Đền Nội Bình Đà. Đây được coi là chiến lược bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững.

Hội thảo nhận được 13 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các tác giả tại địa phương. 
Hội thảo nhận được 13 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học
và các tác giả tại địa phương. 

Khuyến nghị một số giải pháp nhằm bảo vệ tổng thể di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Đền Nội Bình Đà, TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: Trong hồ sơ đề cử Di tích quốc gia đặc biệt cần làm rõ vấn đề nhân vật được thờ là Lạc Long Quân. Đó là cần nghiên cứu các di tích, tập quán thờ cúng của 60 lễ hội còn lại để tìm ra các nhân vật liên quan đến Lạc Long Quân, Hùng Vương…

Điều này không chỉ góp phần làm tỏ ý nghĩa lịch sử của di sản mà còn từng bước làm sống lại di sản thông qua việc thực hành của cộng đồng chủ thể văn hóa là cư dân Thanh Oai và hiển hiện hình ảnh di sản qua truyền thông, khách du lịch.

Nhiều chuyên gia đề xuất nên đổi tên Đền Nội Bình Đà thành Đền Đức Thánh tổ Lạc Long Quân. TS Trương Minh Tiến – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và  Thể thao Hà Nội nêu quan điểm: "Cần nghiên cứu mở rộng phạm vi khoanh vùng bảo vệ của di tích sang khu lăng mộ của Ngài để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ xếp hạng Khu di tích Đức Thánh Tổ. Từ đó, hình thành tam giác tâm linh quốc gia: Thánh Tổ - Thánh Mẫu – Vua Hùng gồm các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích Thánh Tổ Lạc Long Quân, Đền Mẫu Âu Cơ và Khu di tích lịch sử đền Hùng".

TS Trương Minh Tiến cũng đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển du lịch tại khu di tích Lạc Long Quân. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng (Giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống biển chỉ dẫn, hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải); quy hoạch khu dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện, phòng cháy chữa cháy, camera an ninh… Cùng với đó, kiện toàn Ban Quản lý di tích; xây dựng bài thuyết minh chuẩn của di tích; tăng cường tuyên truyên quảng bá qua các kênh trực quan và thông tin đại chúng.

 

Huyện Thanh Oai đã có chủ trương và phát huy giá trị di tích Đền Nội Bình Đà, báo cáo TP Hà Nội quy hoạch thêm gần 20ha để xây dựng thêm một số công trình trong khuôn viên di tích và đã được TP quan tâm phê duyệt quy hoạch chung. Đồng thời, TP xác định đầu tư, hỗ trợ cho huyện Thanh Oai 150 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2025 để thực hiện các nhiệm vụ tại di tích. Huyện xác định chọn di tích Đền Nội Bình Đà để xây dựng điểm du lịch đề nghị TP công nhận đạt chuẩn trước năm 2025.