Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đeo khẩu trang nơi công cộng: Gắn tuyên truyền, vận động với xử lý hành chính

Quý Nguyễn - Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đã có quy định tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan vi phạm.

Nhiều người tập thể dục trong công viên Thống Nhất nhưng không đeo khẩu trang. Ảnh: Quang Huy
Những “hạt sạn” trong mùa dịch
Từ khi có chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội về việc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nơi công cộng, đặc biệt là việc các lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt những người vi phạm, ý thức chấp hành của người dân Thủ đô đã được nâng cao rõ rệt. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại nhiều địa điểm đông người như bến xe, chợ, vườn hoa... đã cho thấy điều này.
Ông Nguyễn Văn Chí (SN 1965, nhà ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, từ lúc dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, ông luôn thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. “Tôi và những người trong gia đình luôn tìm cách hạn chế tối đa việc đi đến nơi công cộng, đông người vì trong nhà còn có cháu nhỏ. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì lúc nào cũng đeo khẩu trang cẩn thận. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác” – ông Chí nói. Đồng thời chia sẻ, ông có thói quen tập thể dục quan hồ Linh Đàm vào mỗi buổi chiều.
Những người cao tuổi như ông đi tản bộ quanh hồ cũng khá nhiều, và phần lớn họ đều chấp hành rất tốt việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên, sinh viên, thậm chí là học sinh tỏ ra chủ quan, không chấp hành. “Các anh để ý mà xem, mấy cô cậu thanh niên đi đường đến mũ bảo hiểm còn không chịu đội nữa là khẩu trang. Mấy quán nước ven hồ kia (ven hồ Linh Đàm – PV) đầy ra đấy, họ ngồi tụm năm tụm ba, cười ha hả vào mặt nhau mà có ai thèm đeo khẩu trang đâu” – ông Chí nói.
Đi quan sát một vòng quanh hồ Linh Đàm, chúng tôi ghi nhận được không ít trường hợp như vậy. Đặc biệt tại khu vực bờ hồ sát đường Nguyễn Hữu Thọ, một số quán nước vẫn mọc lên và hoạt động công khai vào ban ngày bất chấp lệnh cấm bán hàng rong, quán nước vỉa hè TP Hà Nội. Tại những quán nước này, từng nhóm thanh niên, sinh viên ngồi uống ước, tán gẫu một cách vô tư mà không có bất kỳ ai đeo khẩu trang. Cùng với đó, nhiều người ngồi hóng gió, trò chuyện và cả đội ngũ xe ôm công nghệ… ngồi nghỉ chân ven hồ cũng không ai đeo khẩu trang. Tình trạng vi phạm quy định này cũng diễn ra xung quanh hồ Văn Quán. Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang, anh Trần Anh Tuấn (SN 1998, quê Ninh Bình) sinh viên trường Học viện Bưu chính Viễn thông phân trần: “Ở đây toàn bạn quen của mình, ai cũng khỏe mạnh cả nên mình không sợ. Chỉ khi đi đường mình mới đeo khẩu trang thôi”.
Tăng cường tuyên truyền
Tại Công viên Thống Nhất, luôn có số lượng lớn người dân tập thể dục và thư giãn nhưng có rất ít người đeo khẩu trang. Ông Hoàng Văn Vĩnh (SN 1960, nhà ở phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng) - người tập thể dục ở công viên Thống Nhất giải thích: “Tôi thấy nhiều người không đeo khẩu trang lắm. Với lại vừa chạy bộ vừa đeo khẩu trang rất khó chịu”.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Đinh Đoàn - chuyên gia tâm lý học cho rằng, việc nhiều người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng là sự chủ quan rất nguy kiểm khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường. “Phân tích hiện tượng này trên phương diện tâm lý học có thể khẳng định vẫn có không ít người cho rằng khuyến cáo của ngành y tế về việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch chỉ là biện pháp mang tính hình thức chứ không ngăn chặn được virus lây lan nếu tiếp xúc với người bị nhiễm” – TS Đinh Đoàn phân tích. Một nguyên nhân nữa là do khả năng thích ứng với công việc này của nhiều người còn kém. “Có người thì cảm thấy rất vướng víu, cũng có những người không thể đeo khẩu trang liên tục được bởi chưa quen với điều này. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, tại sao mình phải đeo khi ngoài đường vẫn còn nhiều người không đeo” – TS Đinh Đoàn nói.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để chấm dứt tình trạng nhiều người dân không đeo khẩu trang phòng dịch khi đến nơi công cộng, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh xử phạt, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân. Thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng là thói quen tốt cần xây dựng và duy trì, không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà cả khi dịch bệnh đi qua. "Việc tuyên truyền có vai trò quan trọng như lúc chúng ta tuyên truyền về quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy vậy. Chỉ cần tất cả cùng đồng lòng, hiệu quả sẽ rất cao" - luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.
TP đã có quy định xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Mức phạt từ 200.000 – 300.000 đồng/lần là tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, chế tài mạnh phải đi đôi với công tác kiểm tra, xử phạt quyết liệt. Có như vậy mới đủ sức răn đe.
Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội