Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may Đồng Nhân loay hoay tìm hướng đi

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tốc độ đô thị hóa và biến động của thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới làng nghề dệt may và chế biến nông lâm sản Đồng Nhân xã Đông La, huyện Hoài Đức. Hiện nay, làng nghề đang phải loay hoay tìm hướng phát triển.

Làng đa nghề
Làng nghề dệt may và chế biến nông lâm sản Đồng Nhân có lịch sử gần một trăm năm và chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2005. Làng hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như dệt, may, chế biến bánh, mứt, kẹo, mộc dân dụng… Trong đó nghề dệt len và chế biến bánh, mứt, kẹo hoạt động mạnh vào dịp cuối năm. Với tay nghề cao, các xưởng may của làng luôn nhận được nhiều hợp đồng lớn, nhiều xưởng làm quanh năm không hết việc.
Công nhân làm việc ở xưởng may Hồng Hạnh, Đồng Nhân, Đông La. Ảnh: Nguyễn Nga
Đầu những năm 2000 là thời điểm hưng thịnh nhất của làng nghề khi gần như cả làng nhà nào cũng làm nghề. Tuy thu nhập không cao nhưng đây là nghề giúp người dân có cuộc sống ổn định. Đối với những lao động phổ thông có thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/tháng, những thợ có tay nghề cao có thể thu nhập 7 – 8 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Trịnh Đắc Chuyên cho biết: Hoạt động của các làng nghề truyền thống có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tổng thu nhập từ ngành tiểu thủ công nghiệp – Thương mại dịch vụ chiếm 79% tổng cơ cấu ngành của toàn xã. Chính vì vậy, xã luôn tạo điều kiện để các làng nghề phát triển. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh , thêm vào đó là khó khăn chung của nền kinh tế do lạm phát đã khiến việc sản xuất của làng nghề rơi vào tình trạng khó khăn. Doanh thu giảm, kéo theo số hộ làm nghề giảm đáng kể. Hiện toàn thôn có 900 hộ dân thì chỉ còn 150 hộ tham gia làm nghề, nhiều DN ngừng sản xuất.

Nhiều thách thức

Giống nhiều làng nghề truyền thống hiện nay, làng nghề Đồng Nhân đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Khó khăn của làng nghề do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu nhân công có tay nghề và thị trường… khiến những người tâm huyết với nghề gặp nhiều khó khăn.

Chị Hồng Hạnh - chủ một xưởng may ở Đồng Nhân chia sẻ, xưởng của gia đình chị có hơn 10 công nhân. Hiện rất khó để mở rộng qui mô vì chị phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất. Cũng thiếu mặt bằng, xưởng mộc của anh Trịnh Minh Dũng do vi phạm hành lang đê nên bị giải tỏa, hiện gia đình anh vẫn đang chờ quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề để tiếp tục sản xuất. Được biết từ năm 2004 chính quyền địa phương đã có quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp làng nghề tập trung, nhưng vì nhiều lý do đến nay đề án chưa được phê duyệt. Và người dân nơi đây vẫn hàng ngày ngóng chờ đề án này hoàn thành.

Hoạt động sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt bằng sản xuất chật hẹp, đặc biệt người dân vẫn phải tự tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm mình làm ra, là những nguyên nhân khiến làng nghề Đồng Nhân ngày càng bị thu hẹp. Trong thời gian tới, để phát triển làng nghề, địa phương cần có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tập trung khai thác nguồn nhân lực tại chỗ nhằm thu hút, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn. Tạo điều kiện về mặt bằng để người dân mở rộng sản xuất.