Dệt may tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 là năm khá khó khăn với DN dệt may khi Xuất khẩu dệt may cả năm 2016 ước đạt 28,023 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015 và mức tăng trưởng này là tương đối thấp.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2016 song việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD- mục tiêu đã điều chỉnh so với đầu năm 2016 là 31 tỷ USD vẫn không khả thi.
Chiều 19/12, bên lề buổi họp báo công bố Hội chợ Thời trang Việt Nam – VIFF 2016 (từ 21 – 26/12), ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2016 dự kiến đạt 28,023 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015 và là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua.
 Công nhân đang làm việc tại phân xưởng sản xuất Công ty Trường Phúc (Hưng Yên). Ảnh: Khắc Kiên
Sở dĩ tăng trưởng của ngành dệt may không cao do năm 2016 là năm khá khó khăn đối với DN dệt may. Phân tích kỹ hơn, ông Dũng cho hay, kinh tế khó khăn khiến các nhà mua hàng thế giới rút ngắn kế hoạch mua hàng từ dài hạn thành ngắn hạn. Nếu trước đây, DN chuẩn bị kế hoạch từ 5 - 6 tháng trước thì nay kế hoạch này đã rút ngắn xuống còn 2 - 3 tháng nên đòi hỏi DN phải có giá cạnh tranh thì mới làm được.

Dự báo không hoàn thành mục tiêu cũng được Hiệp hội Dệt may Việt Nam và nhiều DN nhận định từ trước đó. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu thị trường nhập khẩu giảm vì kinh tế khó khăn nên từ giữa năm 2016, xuất khẩu dệt may tăng trưởng khá chậm, mức tăng chỉ từ 5 - 6%.

Chính vì thế, DN dệt may, trong đó có cả DN lớn rơi vào tình thế “ăn đong”, thiếu đơn hàng trầm trọng, đi kèm với đó, giá xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Dũng, dệt may cũng đã có bước tiến dài trong hội nhập, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, chủ động đón đầu các cơ hội khi nước ta hội nhập. Nhiều DN đã hướng đến sản xuất theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối) tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Bên cạnh việc không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may cũng ngày càng quan tâm và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Dự kiến doanh thu nội địa năm 2016 ước đạt 4 - 5 tỷ USD. Năm 2017 tới, dệt may tiếp tục sẽ còn gặp nhiều khó khăn. “Không thể nói năm 2017 như thế nào mà tùy theo thị trường quyết định.

Do đó, việc xây dựng kế hoạch của các DN cũng phải uyển chuyển theo thị trường, phản ứng nhanh mới có cơ hội” - ông Dũng khuyến cáo.

Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành dệt may đặt ra trong năm 2017 là xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hạn chế gia công và bán hàng qua trung gian, tức là mua tận gốc bán tận ngọn.
Hội chợ Thời trang Việt Nam – VIFF 2016 với chủ đề “Bản sắc Việt – Hội nhập thế giới – Thân thiện môi trường” sẽ diễn ra từ ngày 21 – 26/12 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Kỳ hội chợ thời trang Việt Nam lần thứ 20, quy tụ hơn 150 DN hàng đầu trong nước ở ngành dệt may, da giày, trang sức và chăm sóc sắc đẹp với trên 200 gian hàng. Đặc biệt, Hội chợ có sự góp mặt của các thương hiệu dệt may hàng đầu như May Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Hòa Thọ, Đức Giang...

Hội chợ thời trang lần này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giúp DN vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh thị trường nội địa.