Với việc thử nghiệm mô hình này, Công ty Metro Cash&Carry Việt Nam mong muốn đưa một nét văn hóa đặc sắc của người Việt vào mô hình kênh phân phối hiện đại, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của miền Bắc.
“Chợ quê không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, chợ truyền thống đã, đang tồn tại một số điểm yếu như: Công tác quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, an toàn vệ sinh thực phẩm và đôi lúc gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bằng hình thức tái hiện chợ quê ở Metro, chúng tôi mong muốn đưa nét truyền thống quen thuộc trong một không gian mua sắm hiện đại”, ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc vùng miền Bắc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam nói.
Khu vực rau quả trong Metro Thăng Long được thiết kế theo mô hình chợ quê Việt Nam với các sản phẩm rau quả đặc trưng của miền Bắc. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động dành cho đối tượng khách hàng chuyên nghiệp như thưởng thức món ăn nấu tại chỗ, dùng thử sản phẩm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn…
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, nếu kết quả mô hình này khả quan, Công ty có thể sẽ áp dụng ý tưởng này tại toàn bộ các trung tâm Metro tại phía Bắc. Được biết, hiện Metro có 19 trung tâm bán sỉ trên toàn quốc, với 95% hàng hóa là được sản xuất trong nước.
Một góc chợ quê trong Metro Thăng Long
|