Di dời cơ sở ô nhiễm: Quy hoạch phải đồng bộ kết nối hạ tầng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không hợp quy hoạch ra khỏi nội đô của Hà Nội được triển khai từ cách đây gần 20 năm, nhưng đến nay công tác này vẫn diễn ra chậm chạp; công tác tái thiết để sử dụng cũng gặp nhiều khó khăn.

Làm sao để đảm bảo tính khả thi và sử dụng hiệu quả quỹ đất sau khi thu hồi, là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhà máy Dệt kim Đông Xuân trong danh sách rời đi nhưng vẫn duy trì hoạt động. Ảnh: Việt Dũng
Nhà máy Dệt kim Đông Xuân trong danh sách rời đi nhưng vẫn duy trì hoạt động. Ảnh: Việt Dũng

Nan giải công tác di dời
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc xử lý triệt để các cơ sở công nghiệp gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, Hà Nội là một trong những TP có số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực nội đô chiếm số lượng lớn nhất. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã xây dựng lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện ở 4 quận lõi (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); Giai đoạn 2, di dời cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không phù hợp quy hoạch; giai đoạn 3, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; giai đoạn 4, di dời các cơ sở còn lại.

Theo số liệu khảo sát của Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội), tính đến hết năm 2023, TP đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đang đề xuất di dời 117 cơ sở ở 12 quận, TP xác định có 113 cơ sở không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị. Trong khi đó, lộ trình của TP là đến hết năm 2020 sẽ thực hiện hoàn thành công tác di dời đối với tất cả 117 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm này ra khỏi khu vực nội đô, nhưng đến nay tổng số lượng mới di dời được trên 70 cơ sở. Đáng nói, đến thời điểm này nhiều cơ sở công nghiệp được liệt vào danh sách di dời như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Đông Nam Á, Nhà máy sản xuất bóng đèn, Phích nước Rạng Đông… vẫn duy trì hoạt động.

Cùng với đó, những cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được thực hiện, không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, mất mỹ quan đô thị, mà còn làm lãng phí tài nguyên, trước thực trạng quỹ đất trong khu vực nội đô ngày càng eo hẹp, thiếu đất xây dựng nhà ở và các hạ tầng tiện ích dịch vụ công cộng.

“Mặc dù TP Hà Nội rất quyết liệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô, nhưng quá trình triển khai thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do những quy định pháp luật liên quan chưa có sự thống nhất. Cụ thể, tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg quy định Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời, UBND cấp tỉnh chuẩn bị quỹ đất di dời đến phù hợp vị trí, quy mô, chức năng, có cơ chế phù hợp với đối tượng, đảm bảo tính khả thi, nhưng Nghị định 167/2017/NĐ-CP lại quy định việc di dời do Thủ tướng Chính phủ quyết định, các bộ, cơ quan T.Ư hoàn thiện phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...” – đại diện Sở TN&MT Hà Nội chia sẻ.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Từ năm 2015, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg, TP Hà Nội đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác di dời. Đặc biệt, TP đã chuẩn bị quỹ đất với hơn 447ha gồm hơn 147ha tại những khu công nghiệp và 300 ha tại các cụm công nghiệp. Những việc di dời mới chỉ thực hiện được ở nhóm các cơ quan, sở ngành; còn lại những cơ sở công nghiệp, bệnh viện là tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường thì gần như đang giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, những cơ quan đã được di dời lại nảy sinh bài toán bất cập, liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Theo đó, một số cơ sở mặc dù đã di dời nhưng quỹ đất chưa được khai thác và đang trong tình trạng bỏ hoang hoặc đơn cử như khu liên cơ quan của Hà Nội tại số 258 Võ Chí Công, trước khi xây dựng không được bố trí đầy đủ công trình dịch vụ công cộng, thiếu bãi đỗ xe...

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng song song với việc xây dựng lộ trình di dời, thì cần phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ. Đồng thời, vị trí khu đất được quy hoạch để bố trí di dời cần phải có tiện ích dịch vụ, thương mại, nhà ở... thì mới thu hút được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến làm việc, nhằm giảm tải áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và giao thông ở khu vực nội đô. Riêng đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi thu hồi, TS.KTS Đinh Thị Hải Yến – Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Nhà nước đang đẩy mạnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng cho đến nay, chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có đến hơn 1/2 số cơ sở công nghiệp có giá trị lịch sử đã bị phá hủy để thay thế bằng những công trình bê tông, cốt thép hoặc đang bị bỏ hoang gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị và mất đi cả những giá trị văn hóa – lịch sử.

“Rất nhiều quốc gia trên thế giới có những cơ sở công nghiệp trong lòng đô thị, lưu lại dấu ấn của thời kỳ cách mạng công nghiệp. Sau một thời gian dài hoạt động đã bị xuống cấp và không còn phù hợp với quá trình đô thị hóa, họ đã chuyển đổi thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí để khai thác du lịch, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa trở thành yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa, chứ không phải phá bỏ đi để thay thế bằng những công trình cao ốc hiện đại. Đặc biệt, nhiều cơ sở công nghiệp cũ đã được công nhận là di sản công nghiệp nằm trong hệ thống di sản văn hóa thế giới, Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm này” - TS.KTS Đinh Thị Hải Yến cho hay.

Xuất phát từ thực tế, một số cơ sở công nghiệp cũ đã được TP Hà Nội chuyển đổi để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp gần 120 năm tuổi, được các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ đánh thức, trở thành một phần trong các không gian sáng tạo, thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; Tháp nước Hàng Đậu với 30.000 lượt khách tham quan mỗi năm...

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là hầu hết các cơ sở công nhiệp cũ đều nằm ở những vị trí đắc địa, có giá trị kinh tế cao khi được chuyển đổi để khai thác thương mại, vì vậy không ít cơ quan, DN không chịu trả lại quỹ đất mặc dù đã được di dời hoặc cố gắng “bám trụ” để hoàn thành việc cổ phần hóa với mục đích “biến” quỹ đất của Nhà nước thành sở hữu tư nhân... “Để giải quyết được tình trạng này, Chính phủ cần cho phép Thủ đô thực hiện cơ chế riêng, từ đó để TP xây dựng và thực thi những chế tài mạnh để buộc những cơ sở này phải di dời, trả lại quỹ đất, thậm chí có thể thực hiện cưỡng chế thu hồi lại quỹ đất.

Nhưng để làm được điều đó, TP cần phải có những quy định rõ ràng về việc bố trí quỹ đất hoặc những cơ chế hỗ trợ di dời; đối với những cơ sở đã di dời nhưng chưa bàn giao lại quỹ đất thì phải cam kết lộ trình bàn giao cụ thể...” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ.