Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di dời nhà máy, trường học ra khỏi nội đô: Cấp thiết vì lợi ích cộng đồng

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm mong mỏi, năm học 2019 – 2020, cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô cùng hân hoan, phấn khởi khi được chuyển sang dạy và học tại ngôi trường mới khang trang, hiện đại xây dựng trên một phần đất di dời của Nhà máy Rượu Hà Nội (94 Lò Đúc).

Đây là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của việc di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp nằm trong nội đô để dành đất phục vụ cộng đồng.
Điểm sáng trên đất nhà máy di dời
Việc di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch khỏi địa bàn 12 quận trong nội đô TP Hà Nội là chủ trương lớn từ nhiều năm nay. Để quyết tâm thực hiện, Hà Nội đã có những chính sách cụ thể ưu tiên đối với các cơ sở phải di dời, nhất là tại 4 quận lõi trung tâm.
 Xưởng sản xuất của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, nhờ việc quyết tâm “giữ đất” của chính quyền địa phương từ khu vực nhà máy, xí nghiệp di dời nên đã xây dựng được một số trường học tại các khu đất “vàng” trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đơn cử như trường Mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)…
Đặc biệt, TP cũng tạo điều kiện cho DN liên kết với các đơn vị phát triển đô thị theo quy hoạch mới để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị đất đai tại cơ sở cũ trong đó ưu tiên quỹ đất xây dựng, phát triển các công trình công cộng.
Từ những ưu đãi này đã có nhiều cơ sở công nghiệp thực hiện di dời, liên kết xây dựng công trình hiện đại tạo bộ mặt mới cho đô thị. Điển hình là Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo tại 191 Bà Triệu sau di dời đã được xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân Thủ đô.
Hiệu trưởng trường THCS Lê Ngọc Hân Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, nhiều năm qua, nhà trường vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất với trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Cơ sở vật chất hạn chế khiến cho việc dạy học và tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn.
"Được TP và quận Hai Bà Trưng quan tâm bố trí quỹ đất tại địa điểm Nhà máy Rượu Hà Nội di dời, việc xây dựng và khánh thành ngôi trường mới THCS Lê Ngọc Hân đúng dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020 có ý nghĩa rất lớn. Giáo viên, học sinh, phụ huynh, chính quyền và Nhân dân phường sở tại đều vô cùng phấn khởi" - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.
Rõ ràng, việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành hay các tỉnh lân cận, khai thác thêm quỹ đất đầu tư các công trình công cộng, tạo bộ mặt hiện đại cho Thủ đô là việc làm cần thiết. Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng nhưng để đẩy nhanh tiến độ di dời rất cần sự phối hợp, nhất là chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành TƯ.
Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế MTTQ TP Hà Nội, TS Tô Anh Tuấn cho rằng, đầu tư của Nhà nước cho việc di dời hiện nay chưa thỏa đáng. “Đầu tư ở đây là cả đầu đi và đầu đến. Nếu chỉ trông chờ vào các khu, cụm công nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư thì chưa thật hấp dẫn. Khá nhiều cơ sở di chuyển để lấy quỹ đất đó làm nhà trẻ, làm trường học nhưng sau đó lại thiếu sự đầu tư của Nhà nước” - TS Tô Anh Tuấn bày tỏ.
Kiên quyết thực hiện theo quy hoạch
Để việc di dời cơ sở sản xuất, DN khỏi nội đô được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, TP Hà Nội đã thực hiện quy hoạch nhiều khu cụm công nghiệp tại các huyện ngoại thành. Cụ thể, phía Bắc quy hoạch khoảng 3.200ha để phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí. Phía Tây quy hoạch 1.800ha ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới.
Tại các thị trấn, quy hoạch khoảng 1.400 - 1.500ha để ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao. Sở QH - KT Hà Nội phối hợp với các Sở TN&MT, Công Thương để rà soát, đối chiếu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm di dời, khu - cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể. Từ đó, đề xuất với TP trên nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời để tạo quỹ đất cho TP.
Về việc khai thác sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, đại diện Sở QH-KT Hà Nội cho biết, căn cứ vào quy hoạch, Sở đã lên khung định hướng sử dụng đất. Trong đó, đối với 4 quận lõi sau khi dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài sẽ sử dụng quỹ đất phục vụ lợi ích công cộng của khu vực. Đối với quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, ưu tiên quỹ đất để dành phát triển công trình phục vụ lợi ích công cộng của khu vực (thương mại dịch vụ, hệ thống trường học phổ thông…), hạn chế phát triển nhà ở.
Tại các địa bàn trên cũng khuyến khích xây dựng các nhà công cộng cao tầng, hiện đại đa năng, quảng trường lớn không gian mở. Còn khu vực quận Hoàng Mai, quỹ đất sau di dời được ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng, trường phổ thông, dạy nghề chuyển đổi cơ cấu địa phương, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, tiện ích đô thị khác…
Trước thực trạng nhiều nhà máy chậm di dời ra khỏi nội đô theo kế hoạch, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới, việc đẩy mạnh di dời các nhà máy xí nghiệp rất cấp bách. Tuy nhiên, vấn đề mục đích sử dụng của những khu đất sau khi di dời phải được thực hiện đúng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên để cho cộng đồng được hưởng lợi.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội phải xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc DN phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Nếu DN vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để “giữ đất” thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhất là sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư. Đồng thời, kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất trả TP quản lý và sử dụng theo quy hoạch. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của DN về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống của cộng đồng.

"67 cơ sở công nghiệp phải di dời (thuộc cả T.Ư và Hà Nội quản lý) đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha." - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông