KTĐT - Sau Tết, ngồi nhậu lai rai ở nhà ông Năm "tài xế", khi đã sương sương, ông bỗng buông một câu chắc nịch:
- Rằm này mình đi lễ Chùa Bà nghe chú em.
- Thiệt hay bỡn anh Năm? - tôi nghi nghi trong bụng.
- Trời! Chú hỏi kỳ, trước mặt Thánh thần qua dám bỡn hay sao…
Tôi ngơ ngác, nhìn khuôn mặt nghiêm chỉnh của ông Năm, bối rối.
Tôi bối rối, vì ông bạn vong niên của tôi vốn là tài xế xe tải đường trường, trong giới " giặc lái" này thì tay nào tay nấy đều ăn to nói lớn, phóng khoáng ngang tàng, coi trời như cái chũm chọe. Về hưu, vẫn vậy. Ông bảo ông chỉ thờ ông bà, chỉ có tổ tiên thôi chứ chẳng có ma quỉ, thần thánh nào ráo trọi.
Bà Năm thì ngược lại, bà bảo bà không duy tâm nhưng thành tâm, ngày Rằm, mùng Một đã đành chứ thời khắc Giao thừa thì dứt khoát phải lên nơi cửa Phật, để cầu cho quốc thái dân an, cầu cho gia đình mình một năm mới hanh thông mọi sự. Bà chép miệng: " Chả năm nào ông ấy chịu đi, Giao thừa cúng ông bà xong, tôi khăn áo lên chùa thì ông ấy bưng mâm xuống nhậu, tôi đi nhanh thì ổng nhậu ngắn, tôi đi lâu thì ổng nhậu dài…".
Vậy mà, năm nay ông Năm lại rủ tôi đi chùa thì đúng là chuyện lạ. tôi đón ly rượu từ tay ông, bụng bảo dạ: Chắc là chả trở chứng rồi đây!".
Trái với những ý nghĩ lo ngại của tôi, bà Năm nãy giờ luôn tay phục vụ hai anh em, khi nghe thủng câu chuyện liền cười tươi:
- Phải đấy chú Ba, đi với anh nhé, mọi chuẩn bị cho chuyến "hành hương" cứ để chị lo.
- Dạ!... Dạ!... (tôi phấn chấn hẳn lên) Mấy chục năm ở Sài Gòn, em đã từng nghe về Chùa Bà mà chưa khi nào có dịp…
- Thiêng lắm chú ạ! - Bà Năm hồ hởi -Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu không những nức tiếng ở miền Đông mà còn vang danh Lục tỉnh. Hồi trẻ lúc chưa về làm dâu nhà này tôi cũng được ba má cho đi theo dăm bận. Mà này, phải có mặt trước giờ làm lễ nhé. Đâu, để xem nào - bà lẩm nhẩm tính đốt ngón tay - lễ cúng Bà vào tầm khoảng bốn giờ sáng, thế thì trước hai giờ hai anh em phóng xe máy đi là vừa…
- Xe máy xe miếc gì - ông Năm cắt ngang - từ đây lên đấy bốn chục cây, hai anh em tôi mỗi đứa một chiếc xe đạp, đạp tà tà thay cho cữ tập thể dục buổi sáng. Đến ngày ấy bà chuẩn bị sẵn đồ cúng cho tụi tôi là được.
- Chả phải chuẩn bị gì đâu ông ơi! Lên đến đấy, trước cửa chùa, nhang đèn, trái cây… mặc sức mà mua. Mà này, chiều mười lăm mới là lễ trọng, gì thì gì hai anh em phải dự bằng được lễ rước kiệu bà nghe hông…
Mười hai giờ đêm mười bốn tháng Giêng, chúng tôi lên đường. Bà Năm đã chu đáo chuẩn bị sẵn cho mỗi người một chiếc áo gió cùng bốn chai nhựa to đựng trà đá lạnh để trong hai chiếc túi vải khoác chéo trên vai.
Hai anh em tôi thong thả đạp xe nhắm hướng thị xã Thủ Dầu Một. Qua đoạn quốc lộ 13 thuộc địa phận Sài Gòn khá vất vả vì những ổ voi ổ gà thì ra đến đại lộ Bình Dương. Chao ôi! Trăng thanh gió mát, đường xá phẳng lì ai mà không phởn chí. Nhưng, ơi kìa! Sao mới giờ này mà đã đông quá xá, đại lộ rông thênh thang càng đi càng nêm chặt người - xe, tốc độ xe đạp của chúng tôi cứ phải giảm dần nhiều lúc chỉ nhỉnh hơn tốc độ rùa bò một chút. Sau mấy tiếng đồng hồ lê lết, đến ngã ba rẽ vào địa phận phường Phú Cường nơi tọa lạc chùa thiêng thì chúng tôi đã đứng trước một biển người…
Ông Năm thở ra cả đằng tai, ông hổn hển bảo tôi tìm chỗ gởi xe, thế là lòng vòng mãi, hai bên đường san sát những điểm giữ xe, song, cứ nhác thấy hai con ngựa sắt của chúng tôi là họ xua tay lia lịa. Thật chả ra cái con ất giáp gì hết, mệt nhoài, chúng tôi chui vào một vuông vườn, dựng xe vào gốc cây, đứng thở…
Lát sau, từ căn nhà lợp lá dừa nước nơi cuối vườn, một cụ già râu tóc bạc phơ như tiên ông thong thả tiến về phía chúng tôi. Cụ hiền từ bảo: " Họ chả giữ xe đạp đâu, thôi hai chú dắt xe vô đây tôi cho để nhờ". Chúng tôi mừng rơn cảm tạ, rồi líu ríu dắt xe theo cụ.
Ông cụ chủ nhà ái ngại nhìn chúng tôi: " Sao giờ này mới đến đây? Làm sao vô chùa được?". Thật sự hoang mang. Nhưng, chả lẽ đến đây lại về tay trắng. Sau ít giây lưỡng lự, chúng tôi quyết định: Chen!.
Thế là chúng tôi chui vào giữa biển người: huých, nhích, nhoài… hướng về phía trước. Sau chả biết bao nhiêu giờ cà rịch cà tang cũng tiến được khoảng dăm bảy trăm mét, khi đã có thể nhìn thấy nóc cổng chùa đo đỏ phía xa xa, thì cũng là lúc: Tắc!
Chúng tôi đứng chôn chân một chỗ, không nhúc nhích vào đâu được nữa. Tôi ngắm dòng người phía trước, nhìn những mâm lễ vật họ đội trên đầu: Những con heo quay vàng ruộm, những con gà luộc vàng chóe, những mâm xôi, thủ lợn trắng tươm… mà tự than thầm: Chao ơi! Chị Năm ơi! Thời của chị, cái thời cô bé Trảng Bàng lẽo đẽo theo mẹ lên chùa hồi đầu thế kỷ trước nó trong trẻo làm sao… Thời nay, tín ngưỡng giàu có lắm rồi. Đấy, chị nhìn đi, đồ mang đi lễ của bàn dân đâu còn đơn sơ chỉ là nhang, đèn, hoa, trái…
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng thiêu đốt, cộng với hơi người, cộng với chiếc áo gió mà chúng tôi mặc hồi đêm lúc này không làm sao dang tay mà cởi ra được, càng thêm bội phần ngột ngạt. Ông Năm mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thất thần đưa mắt nhìn tôi, tôi hiểu ý ông: Vái vọng! Làm theo thiên hạ, chúng tôi chắp tay, lẩm nhẩm nguyện cầu rồi vái ba vái vào… lưng những người đằng trước.
Xong. Chúng tôi chen ra theo chiều ngang, vì đến Tề Thiên Đại Thánh lúc này cũng không thể lội ngược dòng, phải mất khá lâu mới chui lại vào được vuông vườn kia, đứng thở…
Hai anh em tôi thất thểu diện kiến chủ nhà, như đã tiên lượng trước, ông cụchuẩn bị sẵn haithau nước giếng mát lạnh và hai chiếc khăn bông, kèm theo lời an ủi như của một nhà hiền triết:
- Thôi! Cất công đến đây thế cũng được rồi. Tín ngưỡng cốt ở lòng thành, hai chú ạ!