Nhiều “điểm nóng” đi ngược chiều
13 giờ 15 ngày 2/12, trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một chiếc xe mô tô chở theo hai cô gái trẻ xuất hiện từ đường Nguyễn Tuân đi ra. Thay vì rẽ phải theo đúng quy định, chiếc xe này quẹo trái, không bật xi nhan xin đường mà cứ thế chạy ngược chiều một đoạn dài trước khi tạt vào lề đường, dừng ngay trước khu vực cổng trường Đại học KHXH&NV (số 336 Nguyễn Trãi).
Đối với hành vi điều khiển phương tiện đi ngược chiều thì đã có chế tài xử lý rõ ràng. Nhưng đối với trường hợp dắt xe đi ngược chiều như trên đường Tố Hữu, không dễ để lực lượng chức năng có thể xử phạt. Có một trường hợp có thể xử phạt là người dắt xe gây cản trở giao thông nhưng hình thức xử phạt cũng nhẹ và tùy vào mức độ của hành vi. Nếu gây cản trở nghiêm trọng thì mới xử phạt còn mức độ nhẹ thì tuyên truyền, nhắc nhở để họ không tái phạm.Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư Hà Nội |
Trên thực tế, tại “điểm nóng” này, lực lượng CSGT vẫn thường xuyên có mặt để kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm song tình trạng trên vẫn không chấm dứt. Đơn cử như vào khoảng 16 giờ, ngày 2/12, theo quan sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khi có một tổ công tác của lực lượng CSGT làm việc tại đây, tình trạng phương tiện đi ngược chiều gần như biến mất. Một số lái xe có ý định vi phạm nhưng khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng từ xa đã lập tức quay đầu đi theo hướng khác. Tuy nhiên, ngay khi tổ công tác rút đi, tình trạng vi phạm lại tiếp tục diễn ra.
“Điểm nóng” đi ngược chiều ở nút giao Nguyễn Tuân – Nguyễn Trãi không phải cá biệt. Trong thời gian gần đây, tình trạng đi ngược chiều, đặc biệt là xe máy liên tục xảy ra tại nhiều tuyến đường Hà Nội. Điển hình nhất là sự việc xảy ra trên tuyến đường Tố Hữu (hướng từ Tố Hữu đi Lê Văn Lương). Vào sáng 5/11, một clip ghi lại cảnh hàng trăm xe máy tham gia giao thông trên tuyến đường này bằng cách dắt bộ ngược chiều trên vỉa hè. Sự việc diễn ra ngay trước mặt 2 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ ở đây.
Lãnh đạo Đội CSGT số 7 (thuộc Phòng CSGT – CATP Hà Nội) thừa nhận có sự việc trên nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý vì chưa có chế tài nào xử phạt đối với người dắt bộ xe máy đi ngược chiều. Đến ngày 24/11, Sở GTVT TP Hà Nội đã tiến hành lắp đặt đoạn hàng rào 50m tại đoạn đường ngày để ngăn xe máy đi trên vỉa hè. Tuy nhiên, hàng rào trên cũng chỉ có tác dụng trong 50m, những đoạn sau đó, tình trạng xe máy tràn lên vỉa hè vẫn tiếp tục xảy ra.
Nên nhìn nhận lại việc bố trí hạ tầng giao thông
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Viện Xã hội học cho biết, câu chuyện về ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, trong đó có việc vi phạm đi ngược chiều đầu tiên bắt nguồn từ tâm lý chủ quan, nghĩ rằng hành vi của mình là cá biệt nên sẽ dễ dàng... lọt lưới. Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, lý do chính dẫn tới hành vi đi ngược chiều là tâm lý muốn tiện lợi và sự ích kỷ cá nhân của một bộ phận người tham gia giao thông. Chính sự ích kỷ này khiến nhiều người tìm cách vượt qua những chế định, chuẩn mực của xã hội.
Xét trên phương diện khác, chuyên gia xã hội học cho biết thêm, ngoài vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về tính hợp lý trong các xây dựng và bố trí hạ tầng giao thông.
Lấy ví dụ trường hợp hàng trăm xe máy dắt ngược chiều trên vỉa hè ở đường Tố Hữu, PGS.TS Trình Hòa Bình nhận định, khi tình trạng vi phạm tại một điểm, một nút giao thông diễn ra trên bình diện rộng, với nhiều trường hợp cùng vi phạm thì câu chuyện không đơn thuần là ý thức người dân. “Chuẩn mực của xã hội mà bao gồm cả chuẩn mực của giao thông. Cách bố trí giao thông cần đảm bảo tính hợp lý, tính khoa học và tính văn minh của nó. Nếu bố trí sai làn và bất hợp lý thì sẽ dẫn đến tình trạng gây bất cập, bất lợi cho người tham gia giao thông, từ đó họ sẽ tìm cách lách luật hoặc vi phạm” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, từ sự việc nhiều phương tiện dắt xe ngược chiều trên đường Tố Hữu, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng nên xem lại cách tổ chức giao thông tại đây đã thật sự phù hợp hay chưa. “Việc phân luồng, tổ chức giao thông phải làm sao hợp lý, tạo sự thuận lợi cho người dân” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Đúng là chế tài xử phạt vi phạm giao thông còn nhẹ nhưng vấn đề quan trọng hơn là để pháp luật nghiêm minh, không chỉ cần chế tài đủ mạnh mà cần phải công minh, khách quan. Muốn không còn tình trạng vi phạm giao thông thì phải đảm bảo tính công bằng trước pháp luật, không có miễn trừ với bất kỳ trường hợp nào.PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Viện Xã hội học |