Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích lịch sử cổng làng Mông Phụ nứt nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phản ánh của người dân làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, đêm 24/6, di tích lịch sử cổng làng Mông Phụ bị một chiếc ô tô đâm mạnh vào khiến cho một bên cổng nứt nghiêm trọng.

Cụ thể, đêm 24/6, một người đàn ông lái ô tô khi đang say rượu đã đâm mạnh vào di tích lịch sử cổng làng Mông Phụ, khiến cho một bên cổng bị nứt dài. Vết nứt khá nghiêm trọng.
Di tích lịch sử cổng làng Mông Phụ nứt nghiêm trọng - Ảnh 1
Cổng làng Mông Phụ bị nứt nghiêm trọng sau khi bị "tai nạn giao thông".
Vết nứt nghiêm trọng tại cổng làng Mông Phụ sau khi bị "tai nạn giao thông".
Về vấn đề này, ông Giang Mạnh Hoằng - Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, kiêm Phó Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm xác nhận việc cổng làng Mông Phụ bị ô tô húc là có thật. Hiện cơ quan công an đang xác minh và điều tra đối tượng gây “thương tích” cho cổng làng Mông Phụ. Ông Giang Mạnh Hoằng cho biết thêm: “Ban Quản lý di tích đang khẩn trương khắc phục hậu quả của vụ việc”.

Được biết, Cổng làng Mông Phụ là chiếc cổng cổ và còn tương đối nguyên vẹn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là di tích thuộc làng cổ Đường Lâm, do Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm quản lý.

Có nhiều lối vào Làng cổ Đường Lâm, tuy nhiên, cổng làng Mông Phụ là cổng cổ duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào đời vua Lê Thần Tông, nó mở lối cho trục đường chính dẫn vào làng.
Cận cảnh vết nứt ở cổng làng Mông Phụ.
Cận cảnh vết nứt ở cổng làng Mông Phụ.
Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ “Thế hữu hưng nghi đại”, nghĩa là “Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi”. Tường của cổng làng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát thì lấy trên gò trong vùng, trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng.
Vết nứt được đánh giá là khá nghiêm trọng.
Tường xây đá ong trần chít mạch, không “đao, đấu, diềm, mái”. Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng bốn năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép. Cổng làng xưa chỉ đủ cho vài người gánh lúa nghỉ ngơi, là chỗ trú cho vài người đi tuần làng. Có thể nói, đây là nơi phân định không gian lao động ở phía ngoài và không gian sinh sống phía trong Làng.