Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi tìm ngân sách để thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù việc khuyến khích các cơ quan nhà nước thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin vì những lợi ích mà nó đem lại là rất rõ ràng về mặt kinh tế, thời gian, nhân lực, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn…

Tiền đâu?

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho hay, về mặt bản chất, việc cho thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin là làm thay đổi nhận thức về đầu tư cho công nghệ của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Qua đó thúc đẩy tiến độ dự án, tối ưu hóa chi phí đầu tư…

Chỉ riêng về vốn, thay vì phương thức bỏ ngân sách đầu tư lớn cho tổng thể một hệ thống công nghệ ngay từ ban đầu, các cơ quan nhà nước có thể chuyển sang hình thức thuê ngoài, tức là trả dần qua nhiều năm. Cụ thể, trong năm đầu tiên, với một số tiền ít hơn, các cơ quan nhà nước có thể triển khai được nhiều hệ thống công nghệ thông tin hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ thuê ngoài sẽ biết cách tối ưu hóa phương thức đầu tư và giá thành, giảm lãng phí, mà vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu (mua với chi phí hợp lý, đúng thời điểm …). Ngoài ra, khi thời gian triển khai nhanh hơn, các khoản đầu tư sẽ nhanh chóng được thu hồi…

Thế nhưng, lấy nguồn ngân sách ở đâu để thuê ngoài là vấn đề mà ông Bảo quan tâm. Theo ông Bảo, hiện tại, các cơ quan nhà nước mới có khoản ngân sách cho các hoạt động thường xuyên, nhưng chưa có ngân sách để thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin.

 
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: T.H/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: T.H/Vietnam+)
“Trước đây, các cơ quan nhà nước phải đợi duyệt ngân sách, sau đó mới có chi phí để đầu tư cho công nghệ thông tin. Nhiều người lầm tưởng, thuê ngoài dịch vụ công nghệ là không cần đến tiền đầu tư, nhưng thực tế các cơ quan nhà nước vẫn cần tiền để trả chi phí qua từng năm,” ông Bảo nói.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề ngân sách thuộc về ý chí của lãnh đạo cơ quan nhà nước. Ngân sách cho công nghệ thông tin có thể là ngân sách thường xuyên, hoặc ngân sách đầu tư ban đầu cho công nghệ thông tin. Ví dụ như ngành Thuế có quỹ riêng dành để vận hành hệ thống (PIT) nên không gặp khó khăn trong việc tìm ngân sách đầu tư cho công nghệ.

Ông Đỗ Cao Bảo cũng nhận định, Chính phủ chỉ là người khơi mào còn doanh nghiệp mới là lực lương quan trọng, bởi họ có thể thay đổi rất nhanh để ứng dụng việc thuê ngoài công nghệ thông tin vì nó gắn liền với hiệu quả kinh doanh.

Ngoài việc tìm nguồn vốn thuê ngoài công nghệ thông tin từ ngân sách, còn có một hình thức hợp tác khác là lấy từ chính doanh nghiệp cho thuê. Mới đây, FPT đã ký hợp đồng cung cấp Hệ thống bán vé điện tử cho ngành đường sắt. Theo đó, FPT sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống và thu về dưới 1% doanh thu từ việc bán vé cho khách hàng.

Ông Bảo khẳng định, ở phần dịch vụ công, nếu được Nhà nước cho phép thì FPT sẵn sàng đầu tư xây dựng hệ thống để cung cấp dịch vụ cho người dân, như làm công chứng, cấp đổi chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu…

Có nên quy định dịch vụ thuê ngoài?

Trong một cuộc họp mới đây, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tỏ ra băn khoăn về việc có nên quy định nhóm các dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin khuyến khích đi thuê, thay vì đầu tư hay không.

Có ý kiến cho rằng, chính việc quy định này sẽ giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng xác định được nên đầu tư khi nào, và khi nào thì thuê. Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ hạn chế hiện tượng cố tình đầu tư vì mục đích riêng.

Tuy nhiên, đại diện của Vụ Pháp lệnh dân sự-Kinh tế (Bộ Tư Pháp) thì cho rằng không nên quy định cứng như vậy. Những dịch vụ nào mà cơ quan nhà nước đã đầu tư rồi thì tuyệt đối không đi thuê nữa mà chỉ thuê dịch vụ, hệ thống chưa có hoặc hết khấu hao để tránh lãng phí.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, cơ quan quản lý nên chờ thêm thời gian, khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai vào thực tiễn thì mới đúc kết thành danh mục để khuyến khích. Ông cũng khuyến cáo Bộ Thông tin và Truyền thông cần khảo sát thực tế tại các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước để xem họ cần dịch vụ gì và xem trên thị trường dịch vụ ấy ra sao để đưa ra quyết định.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Công ty an ninh mạng Bkav thì bày tỏ quan điểm “cái gì không chuyên thì nên thuê ngoài.” Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc thuê ngoài còn phụ thuộc vào tính chất của dịch vụ cũng như đơn vị đi thuê.

“Tôi cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có hướng dẫn sơ bộ về danh mục cho thuê ngoài, sau đó sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế,” ông Tuấn Anh khuyến nghị.

Về mối lo ngại mất an toàn thông tin khi thuê ngoài dịch vụ, ông Tuấn Anh cho rằng cần phải có những cam kết bắt buộc bảo đảm an toàn thông tin như quy định pháp lý, hệ thống công cụ để hiện thực hóa cam kết đó.