Trong nội dung văn bản của Bộ NN&PTNT, đáng chú ý là các địa phương chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể nuôi tái đàn. Tuy nhiên, cần đáp ứng hai điều kiện: Cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAP, hoặc GlobalGap. Thứ nữa là được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yều cầu nuôi tái đàn.
Đối với các địa phương đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, cơ sở nuôi tái đàn phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn. Trường hợp không kê khai, nếu để xảy ra dịch bệnh thì sẽ bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó là thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 4249/BNN-TY và Công văn số 5329/BNN-CN.
Trong văn bản mới được công bố, Bộ NN&PTNT cũng quy định cụ thể 4 bước nuôi tái đàn. Theo đó, các cơ sở chỉ được nuôi chỉ báo với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở có quy mô và khả năng nuôi trên 100 con ở một thời điểm, hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô và khả năng nuôi dưới 100 con.
Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 30 ngày, trên cơ sở theo dõi, giám sát, nếu lợn không bị bệnh, hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi, thì mới thực hiện tái đàn 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở.