KTĐT - Theo Cục Thú y, sở dĩ dịch bệnh lan nhanh là do các ổ dịch xảy ra chưa tiêm phòng, không được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ không chặt chẽ; một số địa phương lơ là, coi thường dịch. Trong khi đó, vaccine phòng dịch cúm gia cầm nhập về muộn hơn so với mọi năm, Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vaccine.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang lan nhanh và diễn biến ngày càng xấu, trong khi nguồn vaccine phòng chống dịch đang cháy…, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết tại cuộc họp khẩn chiều 8-3.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến chiều qua, trên cả nước đã 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm, 25 tỉnh có bệnh lở mồm long móng (LMLM). Đặc biệt, dịch tai xanh tái xuất tại Hà Tĩnh (xã Đức Long, Đức Thọ), tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch trong năm nay.
Kiểm tra cho thấy, tỉnh Bắc Giang có hiện tượng giấu dịch. Theo Cục Thú y, thực tế dịch LMLM đã xảy ra ở Bắc Giang từ 17-1, tại 6 xã thuộc 4 huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn và Yên Thế. Tuy nhiên, Tỉnh không báo cáo dịch, không lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan thú y vùng II, không công bố dịch, không triệt để chống dịch, làm dịch lây lan.
Cùng đó, từ 23-1 đến 26-2, trạm kiểm dịch huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), tiếp giáp với Bắc Giang bắt được một số xe máy chở lợn có triệu chứng LMLM, vận chuyển từ Lạng Giang, Lục Nam và Bố Hạ qua quốc lộ 1 không có giấy kiểm dịch.
Căng thẳng vaccine
Theo Cục Thú y, sở dĩ dịch bệnh lan nhanh là do các ổ dịch xảy ra chưa tiêm phòng, không được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ không chặt chẽ; một số địa phương lơ là, coi thường dịch. Trong khi đó, vaccine phòng dịch cúm gia cầm nhập về muộn hơn so với mọi năm, Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vaccine.
Lãnh đạo Cục Thú y cho hay, hiện nguồn dự trữ vaccine LMLM chỉ chưa đến 1 triệu liều, xí nghiệp sản xuất vaccine của Viện Thú y cũng không có vaccine để bán cho các địa phương.
Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y cho biết, virus cúm gia cầm năm nay có những biến đổi so với dạng từ năm 2009 về trước. Hai năm về trước, chủng loại virus gây bệnh phổ biến ở phía Nam là Clad 1, còn phía Bắc là chủng loại Clad 2.3.4.
Tuy nhiên, năm nay, một chủng virus mới là Clad 2.3.2 xuất hiện ở cả hai miền. Việc kiểm tra độc lực, mức độ nguy hiểm, cũng như vaccine đang dùng có bảo hộ cho đàn gia cầm được hay không, Cục Thú y đang kiểm tra.
Đối với bệnh LMLM, năm nay cũng xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại về chủng virus mới hình thành, với tính chất lan nhanh, gây chết nhiều ở đàn trâu, bò, lợn. Theo Cục thú y, dịch LMLM xuất hiện từ cuối năm 2010 đến đầu năm nay khiến 66.000 gia súc mắc bệnh, trong đó 38.000 con trâu, 7.000 con bò và khoảng 21.000 con lợn.
Đặc biệt, năm nay, virus gây bệnh LMLM ở lợn lan nhanh, và tỷ lệ lợn mắc bệnh bị chết rất cao, khoảng 75% (15.700/21.000 con mắc bệnh bị chết). “Virus trên một con lợn có mức độ lan nhanh gấp 400 lần so con bò mắc bệnh”- ông Năm cho biết.
Ông Phùng Quốc Chưởng, Viện trưởng Thú y T.Ư cho hay, quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các mẫu bệnh phẩm do cán bộ của viện đi lấy khác với mẫu của địa phương. “Các mẫu địa phương gửi lên không phát hiện ra bệnh, có thể cách lấy mẫu không chuẩn, hoặc có can thiệp của địa phương”- ông Chưởng nói. Theo ông Chưởng, virus LMLM có thể khuếch tán trong bán kính 60 km trên đất liền và khoảng 300 km trên biển.
Trước tình hình căng thẳng dịch bệnh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y, Viện Thú y T.Ư khẩn trương phân tích độc lực các chủng virus mới, tìm độ thích ứng của vaccine hiện có, cũng như điều tra sự lưu hành của virus. Các địa phương có dịch, nghi ngờ có dịch phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch; sẽ xử lý nghiêm các trường hợp làm trái quy định.
Trước mắt, Bộ sẽ cho phép thử nghiệm 100.000 liều vaccine LMLM hỗ trợ từ Trung Quốc. Đồng thời, liên hệ với một số nước có dịch để tìm nguồn vaccine thích ứng với chủng virus gây bệnh ở Việt Nam.