Gần 1.000 người với các loại hình khuyết tật khác nhau (như khuyết tật về thể chất, nghe, nói nhìn và tâm lý), bao gồm người khuyết tật là dân tộc thiểu số, từ nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước tham gia vào đánh giá này.
Trong số người tham gia, 70% cho rằng có khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế như khám bệnh, thuốc chữa bệnh, dụng cụ trợ giúp và dịch vụ phục hồi chức năng. 22% người trả lời phải chịu tác động từ bệnh lý nền sẵn có, vì vậy làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe vì đại dịch Covid-19. Khoảng 28% người trả lời nói có khó khăn trong việc tiếp cận với khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, nước sạch, xà phòng và thực phẩm.
Cho đến tháng 3 năm 2020, 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. 71% người trả lời đang làm việc là các công việc mùa vụ/không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của Chính phủ.
Phát biểu tại lễ công bố, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhấn mạnh nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 cần tính đến người khuyết tật. “Chúng ta cần hỗ trợ người khuyết tật xây dựng kỹ năng để có thể tận dụng các nền tảng số, tạo thêm việc tại nhà và cơ hội việc làm trực tuyến, giúp họ có thể làm việc một cách an toàn và cạnh tranh trong môi trường công nghệ 4.0” - bà Wiesen nói.
Báo cáo UNDP cũng đưa ra 5 khuyến nghị để Chính phủ hỗ trợ người khuyết tật đáp ứng nhu cầu của họ và giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Cụ thể, hỗ trợ khẩn cấp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người khuyết tật, bao gồm chăm sóc y tế và dịch vụ, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua điện thoại nếu phù hợp; Đảm bảo khoản hỗ trợ của Chính phủ bao trùm người khuyết tật, mở rộng đối tượng được hỗ trợ bao gồm người khuyết tật làm việc trong khu vực phi chính thức.
Cùng với đó là đảm bảo an ninh tài chính và giáo dục thường xuyên, thông qua cung cấp các nền tảng giáo dục và việc làm trực tuyến dễ dàng tiếp cận đối với người khuyết tật; Mở rộng độ bao phủ của cấp giấy chứng nhận với tất cả những người khuyết tật và tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của đại dịch Covid-19 với người khuyết tật, trong đó có sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật, nhằm xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó và phục hồi hậu Covid-19.