Dịch tại Hải Dương vẫn phức tạpSáng nay 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương về công tác chống dịch Covid-19.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị các phương án, kịch bản về bùng phát dịch khi dịch xảy ra trên địa bàn. |
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết hiện nay, Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc Covid-19. Thế giới tục ghi nhận các biến chủng mới. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Tại Việt Nam, trong đợt dịch từ ngày 25/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận ba biến chủng gồm: B.1.1.7 Anh (tại Hải Dương) và A.23.1 xuất hiện tại Rwanda, châu Phi (tại TP Hồ Chí Minh). Trong đó biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh.
Trong 7 ngày Tết vừa qua, Việt Nam ghi nhận 204 trường hợp mắc tại 4 tỉnh, thành phố chủ yếu tại Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai và Quảng Ninh.
Tại Hải Dương, từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào 25/1, đến nay có 575 ca mắc Covid-19. Hải Dương có năm ổ dịch lớn: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Hiện nay, ổ dịch tại Hải Dương là 575 trường hợp, vượt con số Đà Nẵng (389 trường hợp). Hải Dương chủ yếu là biến thể của Anh nên tốc độ lây lan cao nhanh hơn Đà Nẵng (biến chủng châu Âu). Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương là 20 ca/ngày, cao hơn Đà Nẵng (15 ca/ngày), chứng tỏ chủng virus lần này tốc độ lây lan mạnh hơn, nhanh hơn.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Hải Dương hiện chưa rõ xu hướng, trong khi Đà Nẵng sau 20 ngày đã thấy xu hướng giảm. Dịch tải Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới, đăc biệt ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng.
Sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huốngBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta không thể kết thúc dịch trong 6 tháng đầu năm và trong năm 2021. Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu tất cả cấp ủy tăng cường công tác phòng, chống dịch theo đúng quan điểm chỉ đạo. Người đứng đầu cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trên địa bàn và chỉ đạo phòng chống dịch; chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản và không được chủ quan lơ là; vận dụng, sử dụng triệt để phương châm bốn tại chỗ để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 3 lần này tương đối phức tạp vì chủng virus lần này biến đổi của Anh nên tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với trước. Ổ dịch lại xảy ra ở khu công nghiệp với hàng nghìn công nhân và dịch xảy ra trong dịp trước và trong Tết nguyên đán nên độ phức tạp cao hơn. Cho đến nay, 12/13 địa phương cơ bản kiểm soát được tình hình dịch. Hải Dương mặc dù cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp với việc phong tỏa Chí Linh ngay từ ngày đầu nhưng địa phương này cần phải tăng cường phòng, chống dịch bệnh hơn nữa. Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục cử đoàn công tác của Bộ nằm tại Hải Dương để hỗ trợ địa phương này chống dịch.
Bộ trưởng yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị các phương án, kịch bản về bùng phát dịch khi dịch xảy ra trên địa bàn. Qua thực tiễn, Bộ trưởng nêu mấy điểm các tỉnh, thành phố cần lưu ý.
Một là, phải chuẩn bị kịch bản cho cách ly, giãn cách các trường hợp F1 với từng tình huống, khi có ít F1 hay nhiều F1 để có cơ sở cách ly kịp thời. Tại Hải Dương, số lượng người F1 cách ly vượt xa so với Đà Nẵng. Ngay ban đầu, Hải Dương đã thực hiện cách ly 2.340 công nhân là F1, con số rất lớn ngay giai đoạn đầu.
Do đó, các địa phương phải có từng kịch bản cách ly, phải cách ly triệt toàn bộ F1 để đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, tránh lây lan. Đà Nẵng là một trường hợp điển hình thành công trong việc cách ly triệt để F1, ngăn chặn được dịch bệnh.
Thứ 2, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với quan đội để quân đội điều hình cơ sở cách ly. Khu vực dân sự thực hiện cách ly tốt nhưng còn nơi chưa nghiêm, có thể xảy ra lây nhiễm chéo. Vì thế, một số tỉnh, đặc biệt với Hải Dương, Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần sự hỗ trợ của quân đội trong việc triển khai cách ly tập trung để thực hiện cách ly nghiêm ngặt hơn.
Thứ 3, các địa phương phải chuẩn bị các phương án xét nghiệm với kịch bản có số lượng mẫu xét nghiệm tăng lên từng ngày. Theo đó, cần quan tâm đặc biệt tới công tác xét nghiệm, điều hành lấy mẫu, điều phối xét nghiệm, phải nâng công suất xét nghiệm lên trong một thời gian ngắn. Các cán bộ y tế của địa phương phải được tập huấn lấy mẫu, lên phương án chia nhỏ ra để lấy mẫu tại từng gia đình, từng địa phương, chủ động đối phó với số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn.
Thứ tư là chuẩn bị phương án điều trị, các cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh bình thường nếu xảy ra chuyển bệnh nhân đi đâu. Vì thế, đề nghị khi phát hiện ổ dịch, nhiều ca bệnh, các tỉnh phải có nhiều phương án.