Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 17/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 21.817.682 người nhiễm Covid-19, trong đó có 772.751 ca tử vong. Tổng cộng 14.553.191 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.485 và 6.427.223 ca đang điều trị tích cực.
Hiện Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với 5.556.632 ca nhiễm và 173.128 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với 5.556.632 ca nhiễm và 173.128 ca tử vong. |
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt qua 170.000 trong ngày 16/8 trong khi các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về diễn biến của dịch ngay trước mùa cúm.
Ngày 16/8, Mỹ ghi nhận thêm 483 ca tử vong, trong đó Florida, Texas và Louisiana có số ca tử vong cao nhất.
Số ca nhiễm Covid-19 mới đều giảm ở hầu hết các bang, trừ Hawaii, South Dakota và Illinois. Các chuyên gia y tế công cộng và giới chức bày tỏ lo ngại về khả năng dịch bùng phát trở lại vào mùa thu, trùng với mùa dịch cúm, sẽ gây ảnh hưởng đến những nỗ lực điều trị Covid-19.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ Robert Redfield cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải chứng kiến “mùa thu tồi tệ nhất” nếu người dân vẫn không tuân theo các khuyến cáo y tế.
Viện Đo lường và đánh giá y tế Mỹ dự báo sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới trong những tháng tới, đồng thời sẽ có khoảng 300.000 ca tử vong tính đến tháng 12 tới, số ca nhập viện sẽ tăng 75%.
Ấn Độ đang là tâm dịch của châu Á. Trong ngày 16/8, Ấn Độ ghi nhận thêm 58.108 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.647.316, trong đó có 51.045 ca tử vong.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này sẽ đầu tư 1.460 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Thủ tướng Modi cho biết bài học quan trọng mà Ấn Độ rút ra từ đại dịch là tự chủ trong sản xuất và phát triển để trở thành điểm đến chính trong chuỗi cung ứng mà các công ty quốc tế lựa chọn.
Theo ông Modi, hiện có 3 loại vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở Ấn Độ và nước này có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt ngay khi những vaccine này được thông qua.
Tại châu Âu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh học Gamaley Nga - ông Alexander Gintsburg, cho biết người dân nước này có thể được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hàng loạt vào giữa tháng 9 tới.
Dự kiến, từ tháng 12, mỗi tháng Nga có thể sản xuất từ 4 - 5 triệu liều vaccine, để trong vòng từ 9 - 12 tháng có thể đảm bảo sản xuất đủ lượng vaccine cần thiết cho cả nước.
Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa Covid-19 do Trung tâm Gamaley phát triển và được đặt tên là Sputnik V. Vaccine này được đăng ký lưu hành ngày 11/8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Vaccine Sputnik V sử dụng hai chủng adenovirus làm vật trung gian truyền bệnh, chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, song không thể nhân lên trong đó.
Trước đó, Trung tâm Gamaleya đã sử dụng công nghệ tương tự để bào chế ra các loại vắcxin phòng bệnh Ebola và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS.
Ngày 16/8, Nga ghi nhận thêm 4.969 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 922.853 ca, cao thứ tư trên thế giới./.