Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 107.654 trường hợp mắc bệnh Covid-19 và 4.449 ca tử vong. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên toàn cầu là 6.470.850 ca, trong đó có 381.639 người thiệt mạng.
Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 2.984.521 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trừ Mỹ và Brazil, đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới; nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 19.942 ca mắc và 1.085 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.879.265 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 108.010 trường hợp.
Các cuộc biểu tình “chống phân biệt chủng tộc” đang lan rộng ra khắp đất nước Mỹ và một số quốc gia khác, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong các cuộc biểu tình này và nó có thể tạo ra những ca siêu lây nhiễm “chưa từng có”.
Nhà nghiên cứu lịch sử y học Howard Markel cảnh báo các cuộc biểu tình hiện nay sẽ giống với các cuộc tuần hành được tổ chức ở các thành phố của Mỹ vào thời điểm xảy ra đại dịch cúm năm 1918 và hậu quả là số ca bệnh đã gia tăng nhanh chóng. Theo ông, việc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình cũng có thể khiến mọi người ho và tác động đến cả mắt, mũi, miệng, từ đó làm tăng khả năng lây nhiễm Covid-19.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 25.724 ca mắc và 1.197 ca tử vong, nâng tổng số lên 555.129 ca bệnh và 31.243 ca tử vong.
Mỹ Latinh là tâm dịch toàn cầu mới, với 4/10 quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm bệnh Covid-19 nhất thế giới hôm 2/6 thuộc khu vực này, WHO cho hay. Tổ chức này cũng cảnh báo về tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tại Peru, Chile và Mexico. Tuy nhiên, Mexico vẫn nối gót nhiều quốc gia khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.
Nga ghi nhận thêm 8.863 ca mắc và 182 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 423.741 trường hợp, trong đó 5.037 trường hợp tử vong.
Các nhà khoa học Nga đang phát triển một loại vaccine chống lại virus SARS-CoV-2, có thể đưa vào cơ thể con người qua miệng, dưới dạng khí dung hoặc dạng nhỏ giọt. Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Chekhonin, loại vaccine này đang được nghiên cứu bởi các nhà khoa học tại Viện Y học Thực nghiệm tại thành phố St. Petersburg.
Các kháng nguyên trong các chế phẩm này được bao bọc trong các viên nang siêu nhỏ, giúp bảo vệ chúng khỏi các enzyme tiêu hóa. Mục tiêu là để nhân bản một gen mã hóa protein S của virus SARS-CoV-2 (là kháng nguyên chính kích thích kháng thể trung hòa). Kết quả là, gen được đưa vào vùng mã hóa của nhung mao bề mặt của vi khuẩn sinh học và một vi khuẩn được hình thành với protein miễn dịch của virus trên bề mặt. Đến nay, các thử nghiệm tiền lâm sàng của loại vaccine này đang được tiến hành.
Tây Ban Nha ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 287.012 trong đó có 27.127 ca tử vong do Covid-19.
Anh báo cáo có thêm 1.653 ca mắc và 324 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 2/6. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 274.985 trường hợp, trong đó có 39.369 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu.
Italia ghi nhận thêm 318 ca mắc mới và 55 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 233.515, trong đó có 33.530 ca tử vong.
Ấn Độ - tâm dịch lớn nhất châu Á, ghi nhận thêm 8.813 ca mắc và 221 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 207.183, trong đó có 5.829 ca tử vong. Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ 7 thế giới.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 2/6 là 189.220, trong đó tổng số ca tử vong là 28.940.
Đức báo cáo có thêm 326 ca mắc mới và 56 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 184.091 trong đó có 8.674 ca tử vong.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2/6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Maas nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị một quyết định để đưa ra biểu quyết trong Nội các vào ngày 3/6”. Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14/6 tới./.