Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (SXH) nhưng không đi bệnh viện (BV) thăm khám, điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19.

Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ “dịch chồng dịch” của Covid-19 và SXH. Chuyên gia y tế khuyến cáo, SXH được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng
2 tuần trở lại đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 trường hợp trẻ sốt SXH. Đáng chú ý là một bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch do nhập viện muộn, gây chậm trễ trong điều trị. Đó là trường hợp bé gái H.T. (9 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội). Một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục (39 - 41 độ C), dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán SXH. Trẻ được người nhà theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.
 Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC
Trước đó, trẻ được người nhà đưa đến BV Đa khoa Đức Giang khám và điều trị nhưng do tình trạng bệnh chuyển biến nặng, trẻ được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim. Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền SXH. 2 ngày sau khi bé H.T. nhập viện, em trai của bệnh nhi (7 tuổi) cũng mắc SXH và được đưa vào BV Nhi Trung ương điều trị.
Ghi nhận của phóng viên tại khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, hiện đang tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhi mỗi ngày, các bệnh nhân chủ yếu có triệu chứng SXH. Theo bác sĩ Phạm Thị Như Hoa - khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, hàng năm vào khoảng tháng 4 thì dịch SXH bùng phát nhưng năm nay có phần chậm lại, từ khoảng tháng 7 BV tiếp nhận bệnh nhân SXH gia tăng. Trong khi đó, tại khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cũng tiếp nhận bệnh nhân SXH là những người lớn tuổi rất đông. Số bệnh nhân đang điều trị SXH tại khoa này khoảng 100 bệnh nhân ở các lứa tuổi.
Tương tự, tại BV Đa khoa Hà Đông cũng đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị SXH. Hiện tại khoa Nội tổng hợp vẫn đang điều trị cho 11 bệnh nhân SXH. Trường hợp bệnh nhân nam N.V.Đ (60 tuổi, Phú La, Hà Đông) nhập viện trong tình trạng sốt nóng, đau mỏi người, đau đầu, nôn, họng xung huyết, xét nghiệm Dengue virus dương tính. Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.N.L. (58 tuổi, Kiến Hưng, Hà Đông) cũng nhập viện với biểu hiện tương tự, xét nghiệm Dengue virus dương tính.
Còn tại BV Bạch Mai, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH Dengue phải nhập viện, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính,… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Nét khác biệt của dịch SXH năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu.
SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. 2 bệnh tuy triệu chứng ban đầu giống nhau nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
 PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Mai
"Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục (39 - 40 độ C), kéo dài 2 - 7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, SXH có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu…" - bác sĩ Phạm Văn Cường - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BV Đa khoa Hà Đông cho hay.
Phát hiện, điều trị kịp thời
Lưu ý về SXH ở trẻ em, TS Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho rằng, SXH ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và phục hồi. SXH là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: Đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…
“Khi trẻ mắc SXH, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: Cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây… Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong” - TS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.
Để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, có tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh, bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm chéo Covid-19. Các cơ sở y tế cần tăng cường theo dõi người bệnh SXH nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời nếu có diễn biến nặng lên. Cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton). Ngoài ra, các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi tốt cho người bệnh và người nhà người bệnh.
“Hiện đang vào mùa mưa, nguy cơ mắc SXH có thể gia tăng, nhất là vào tháng 10, tháng 11. Do đó, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống SXH. Nếu để bùng phát SXH sẽ rất nguy hiểm. Vai trò của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, các cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng tham gia. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt bọ gậy tại cộng đồng” - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Dịch SXH đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã có gần 60.000 người mắc bệnh, 18 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc giảm nhưng số ca tử vong lại tăng. Trong khi đó, từ đầu năm 2021 cho đến ngày 17/10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2.256 ca mắc, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã,; 332/579 xã, phường, thị trấn; giảm nhiều so với số mắc cùng kỳ năm 2020 và chưa ghi nhận ca tử vong. 6 quận, huyện nhiều ca mắc, trong đó, Đống Đa dẫn đầu với 456 ca, tiếp đến là Hai Bà Trưng 206 ca, Hoài Đức 173 ca, Hoàng Mai 122 ca, Nam Từ Liêm 120 ca, Thanh Xuân 117 ca.