Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ bảo vệ lao đao trước quy định mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều Cty cung cấp dịch vụ bảo vệ có nguy cơ giải thể, một số doanh nghiệp phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh trước những quy định mới của Chính phủ đối với loại hình dịch vụ này.

KTĐT - Nhiều Cty cung cấp dịch vụ bảo vệ có nguy cơ giải thể, một số doanh nghiệp phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh trước những quy định mới của Chính phủ đối với loại hình dịch vụ này.

Sẽ phải trảm 70%

Theo Nghị định 52/2008/NĐ-CP (22-4-2008) của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên phải có vốn pháp định 2 tỷ đồng; trong quá trình hoạt động, mức vốn điều lệ không được thấp hơn vốn pháp định. Doanh nghiệp đăng ký dịch vụ bảo vệ, không được kinh doanh ngành, nghề và dịch vụ khác.

Theo nghị định này, trong vòng 1 năm, các doanh nghiệp đã thành lập, đăng ký kinh doanh trước đó phải bổ sung hoàn thiện các điều kiện trên, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Theo thông tư 45/2009 hướng dẫn thi hành nghị định này của Bộ Công an, trong vòng 3 năm sau khi thông tư có hiệu lực, lãnh đạo doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng, đại học chuyên ngành luật hoặc kinh tế nếu chưa có.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Cty Dịch vụ Bảo vệ An ninh Đại Gia, khó không chỉ là ở quy định Cty không được trực tiếp đào tạo nhân viên mà phải gửi tới các trường nghiệp vụ công an, trong khi các trường nghiệp vụ đào tạo chưa sát với thực tế, kinh phí tốn kém.

Ông Dũng cho hay, trong vài trăm Cty cung cấp dịch vụ bảo vệ trên cả nước, những doanh nghiệp có vị thế về thương hiệu, uy tín, hiệu quả chỉ có khoảng chục Cty.

Với những quy định mới, chỉ vài chục Cty có thể trụ được, còn lại sẽ chuyển hướng kinh doanh, bán, giải thể. “Nhiều Cty mở ra chỉ trong thời gian ngắn phải đóng cửa vì không có kinh phí, uy tín, nên không có hợp đồng với đối tác” - Ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, GĐ Cty TNHH Dịch vụ Bảo vệ KTC Việt Nam cho biết, dù chưa có thống kê chính thức nhưng, theo tôi, với thực trạng các Cty dịch vụ bảo vệ hiện nay, khi áp dụng theo thông tư 45 của Bộ Công an sẽ phải trảm khoảng 70% trong số đó.

Còn theo luật sư Lê Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Cty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hùng Vương, trước kia, những người mở Cty bảo vệ, thường làm trong ngành công an, bộ đội về hưu. Theo tiêu chuẩn mới, ít người đáp ứng được.

Trong số vài trăm đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhiều trường hợp đã đóng cửa, hoặc bỏ chức năng dịch vụ bảo vệ, chuyển sang hoạt động lĩnh vực khác. Nhiều công ty ngắc ngoải, cố gắng vớt vát số vốn đã đầu tư.

“Để tránh thiệt hại lớn, họ đã giảm dần các hợp đồng với đối tác, chứ cùng một lúc phá các hợp đồng, sẽ thiệt hại lớn. Có thể tới 80% Cty sẽ giải thể hoặc chuyển đổi lĩnh vực hoạt động. Nghị định đã có hiệu lực, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý vào cuộc, tạo sự cạnh tranh đẹp trong giới dịch vụ bảo vệ”- Ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tìm cách vượt rào

Đứng trước những khó khăn khi áp dụng nhưng quy định mới, hàng loạt Cty đang làm dịch vụ bảo vệ, hay những Cty mới thành lập buộc phải tìm mọi cách để tồn tại; không ít trong số đó tìm cách vượt rào, lách luật.

Một giám đốc Cty bảo vệ hoạt động gần chục năm nay cho hay, khi không có bằng cao đẳng, đại học về luật hay kinh tế, họ sẽ nhờ người khác đứng tên để thành lập Cty. Theo vị giám đốc này, lãnh đạo ít hiểu biết về luật pháp, khi điều hành sẽ rất dễ sai phạm vì không hiểu ngành nghề, nghiệp vụ.

Theo các Cty bảo vệ, nghị định bắt buộc doanh nghiệp khi hoạt động dịch vụ bảo vệ thì không được kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ khác là không sát thực tế.

Một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, nhân sự như chúng tôi có thể kinh doanh được các ngành, nghề khác ngoài dịch vụ bảo vệ. Tất nhiên, khi hoạt động đa ngành nghề, mỗi ngành nghề sẽ có một người điều hành chuyên sâu, nên không có chuyện ngành này đá ngành kia”.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, GĐ Cty Điều tra và Bảo vệ - V cho rằng, với những quy định trong Nghị định 52, doanh nghiệp có thể lách dễ. Chẳng hạn, lãnh đạo phải có bằng cao đẳng hay đại học về luật, kinh tế, cũng không giải quyết được vấn đề, vì có thể họ đứng tên cho nhau; ngay cả khi có bằng thì cũng chưa chắc nói lên được trình độ của họ.