Theo tâm sự của Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - chị Nguyễn Thị Thu Hòa: “Tôi mong muốn nơi đây phải là sân chơi chung của giới sưu tập, đồng thời là địa điểm đủ sức thu hút và giới thiệu với du khách về một dòng chảy di sản độc đáo trong văn hóa Việt”.
Nỗi lo hiện vật
Người chơi gốm sứ quanh Hà Nội không hề ít. Chỉ tính riêng Hội sưu tập gốm và cổ vật Thăng Long, số thành viên hiện tại đã trên 50 người. Chưa kể, ở khu vực phía Bắc, hàng loạt hội cổ vật Kinh Bắc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thiên Trường... cũng xuất hiện từ nhiều năm qua và luôn hướng về Hà Nội như một "thị trường" chính yếu.
Vậy nhưng, ngoài phần hiện vật được bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hoặc các bảo tàng cấp tỉnh, gốm sứ cổ phía Bắc vẫn chưa có một bảo tàng đúng nghĩa cho riêng mình. Thực tế, năm 2012, một bảo tàng gốm cấp... xã cũng đã ra đời tại làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội). Tuy nhiên, quy mô nhỏ, cùng với việc số hiện vật chỉ giới hạn ở dòng gốm của địa phương, khiến cho địa điểm này thiên về tính chất của một phòng trưng bày nhiều hơn. “Địa điểm, quy mô, kinh phí để duy trì... là những bài toán luôn đặt ra cho một bảo tàng tư nhân. Riêng với gốm sứ, đó còn là câu chuyện của hiện vật” – chị Hòa chia sẻ.
Thực tế, giới sưu tập thường chỉ ưa chuộng những món đồ độc, đồ hiếm. Trong khi bảo tàng không thể chỉ gồm đồ hiếm, mà phải có hàng loạt hiện vật, tư liệu mang giá trị văn hóa khác, để giới thiệu về quá trình sản xuất hoặc bối cảnh lịch sử xã hội đương thời... Thế nhưng, theo lời chị Hòa, thời điểm hiện tại lại tương đối hợp lý để giới sưu tập thành lập các bảo tàng tư nhân, khi ngành quản lý bắt đầu khuyến khích và tạo điều kiện với các hoạt động xã hội hóa về văn hóa. “Từ trường hợp của mình, tôi thấy các vấn đề về thủ tục đã đơn giản và thuận lợi hơn nhiều trong vài năm qua. Đặc biệt, một số văn bản cũng nhắc tới việc cấp đất hoặc hỗ trợ cho thuê đất trong lĩnh vực này. Đó là những tiền đề hợp lý với một thị trường cổ vật đang phát triển mạnh và có nhu cầu đến với công chúng, thay vì... nằm khuất trong kho của các nhà sưu tập” - chị Hòa giải thích.
Kể thêm nhiều câu chuyện của gốm sứ
Chưa đến 40 tuổi, đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chị Hòa có gần chục năm gắn bó với đồ gốm sứ và sở hữu hơn 1.000 hiện vật. Tự đánh giá rằng “chưa thấm gì” so với nhiều người chơi khác, vậy nhưng ý tưởng thành lập bảo tàng đã được chị ấp ủ từ khá lâu. Để chuẩn bị, vài năm qua, vị giám đốc này đã bỏ công sưu tập và gom nhặt khá nhiều món đồ chuyên biệt. Chẳng hạn, đó là những chiếc khuôn đúc hoa văn (để gắn lên gốm) – vốn không được giới sưu tập ưa chuộng và “chỉ” có mức giá cao nhất là vài triệu đồng. Hoặc là những chiếc bàn xoay gốm cũ hay một kho tư liệu khá công phu về các dòng gốm Việt.
Chiếc lư hương thời Lê Trung Hưng của chị Hòa, được trưng bày trong triển lãm gốm Nam Bộ.
|
Quyết định lập bảo tàng gốm sứ tư nhân được chị Hòa đưa ra sau cuộc triển lãm về gốm Nam Bộ tại Hà Nội vào tháng 5 vừa rồi. Quy tụ hơn 60 nhà sưu tập trong Nam, ngoài Bắc, do chị Hòa tổ chức, đây là triển lãm cổ vật đầu tiên của tư nhân tại Hà Nội mà không có bất kỳ hiện vật nào “mượn” từ bảo tàng Nhà nước. Và cả lần đầu tiên để chiếc lư hương men nhiều màu thời Lê Trung Hưng trị giá 25.000 USD - “đồ độc” trong bộ sưu tập của chị được giới thiệu rộng rãi với người xem.
Hiện tại, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đặt tại phố Xa La (Hà Đông) và đang trong khâu chuẩn bị để đi vào hoạt động. Vậy nhưng, chị Hòa đang theo đuổi một kế hoạch dài hơi: Tìm kiếm một địa điểm phù hợp hơn tại trung tâm Hà Nội để đặt Bảo tàng trong tương lai. Như lời chị, muốn hoạt động hiệu quả, bảo tàng cần ở vị trí thuận lợi để du khách trong nước và quốc tế tiếp cận. Và, phải có diện tích tối thiểu 800 m2, để có thể giới thiệu đầy đủ và hiệu quả về gốm Việt, với những câu chuyện kèm theo từng hiện vật.
“Lập bảo tàng vì đam mê với gốm, nhưng đồng thời tôi cũng muốn tạo ra một điểm đến cho anh em trong giới. Hiện, việc tìm địa điểm phù hợp với một cuộc trưng bày đồ gốm tại Hà Nội là chuyện rất khó khăn và tốn kém với bất kỳ nhà sưu tập nào" - vị giám đốc bảo tàng gốm sứ đầu tiên của Hà Nội bày tỏ. Có một sân chơi như vậy, người xem sẽ dễ dàng được chiêm ngưỡng những di sản rất độc đáo trong văn hóa Việt. Đồng thời, giới sưu tập trong nước cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc trao đổi, thậm chí là có cơ hội hút gốm cổ Việt Nam từ nước ngoài về, thay vì để chảy máu cổ vật như hiện nay.