Tham gia Hội nghị có các đại biểu là đại diện Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, lãnh đạo một số sở ngành, đại diện phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã và lãnh đạo Đoàn luật sư TP Hà Nội cùng các tổ chức xã hội.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Ngày 20/6/2017, Luật Trợ giúp pháp lý đã được Quốc hội khóa XIV thông qua với 100% Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành. Mục đích của bộ luật là lấy người trợ giúp pháp lý làm trung tâm nhằm giúp đối tượng cần trợ giúp tiếp cận được dịch vụ này một cách tốt nhất.Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể, yêu cầu đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý. Đây cũng chính là những yêu cầu đối với luật sư.Đối với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình khi muốn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như: Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý; là tổ chức hành nghề nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 1 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức, có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý…“Quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, vẫn có những quan điểm cho rằng, trợ giúp pháp lýlà miễn phí nên chất lượng dịch vụ không bằng các dịch vụ pháp lý có thu phí. Điều này không đúng. Ở một số quốc gia trên thế giới như Philippines, Argentina… luật sư công rất được coi trọng, tôn trọng, thậm chí còn được đánh giá cao hơn luật sư tư. Bởi, luật sư công do nhà nước bổ nhiệm, thực hiện các dịch vụ pháp lý nhân danh nhà nước. Chất lượng, hình ảnh của nhà nước được thể hiện qua dịch vụ luật sư công cung cấp cho công dân. Tại Việt Nam, dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí là miễn phí cho đối tượng được nhà nước hỗ trợ, cho người được hưởng chứ không phải miễn phí cho dịch vụ. Nhà nước phải thành lập tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý và nhà nước phải trả chi phí cho hệ thống này hoạt động”, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh thông tin thêm.