Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nghẽn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, người bị oan, sai phải được cơ quan tiến hành tố tụng gây oan, sai bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, danh dự...

Nhưng thực tế, có nhiều vụ yêu cầu bồi thường oan sai mà thời gian thỏa thuận kéo dài, gây mệt mỏi cho những người trong cuộc bởi không thể tìm được tiếng nói chung. Nhiều người kỳ vọng rằng, Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sẽ là một “cây gậy pháp lý” giúp giải tỏa được những vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội và nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “điểm nghẽn” về căn cứ bồi thường vẫn chưa có được tiếng nói thỏa đáng nhất.
 Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về gia đình ngày 4-11-2013 sau hơn 10 năm tù oan
Tại phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội vừa qua, khi thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự Luật này, qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), thành viên UBTV Quốc hội đặt câu hỏi: Các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn vướng mắc nhất trong giải quyết bồi thường oan sai là vấn đề gì? Và như trả lời của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, “cái khó nhất trong việc giải quyết bồi thường oan sai là định lượng mức độ bồi thường”. Đây cũng là vấn đề đã được đề cập đến rất nhiều trong các cuộc thảo luận, lấy ý kiến về Dự Luật. Bởi đúng như phân tích của người đứng đầu ngành tòa án, việc tính những khoản bồi thường, có những khoản đơn giản là tính theo thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan, nhưng có những khoản rất lớn không thể định lượng được như ước lượng về thiệt hại danh dự, bồi thường tinh thần…. Rồi có ý kiến cho rằng, một người bị tù oan thì cả dòng họ, con cái của họ bị thiệt hại rất nặng chứ đâu chỉ bản thân họ. Do đó, còn phải bồi thường những người chịu thiệt hại do người thân của mình vướng vào vòng lao lý oan. Nhưng cũng bởi không có barem cụ thể nên khi thương lượng bồi thường rất khó khăn, kéo dài và khó biết thế nào là đủ, là chính xác.
Một “điểm nghẽn” nữa là nguồn vốn bồi thường. Dư luận xã hội, cũng như trên diễn đàn Quốc hội đã đặt ra vấn đề là tiền thuế của dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự. Nhiều kiến nghị, nhiều “ý tưởng” đã được đưa ra kiến giải cho vấn đề này, trong đó có cả việc lấy tiền từ thu hồi tài sản tham nhũng, buôn lậu… để thành lập quỹ bồi thường oan, sai. Nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn bởi thành lập quỹ cũng không ổn, mà tiền nào cũng từ ngân sách.
“Không có gì là tuyệt đối cả, cái gì cũng tuyệt đối thì khó và dễ đi đến tranh cãi không đến hồi kết”. Đúng là như vậy, rất cần một quy định tương đối đúc kết từ thực tế để làm căn cứ để xác định. Hơn nữa, qua các vụ án oan, sai, một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình tiến hành, có cả dấu hiệu mớm cung, bức cung trong quá trình điều tra... Bởi thế, như nhiều người kỳ vọng, điều quan trọng của Dự Luật này không chỉ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, khẳng định về quyết tâm chống oan, sai trong tố tụng hình sự, mà còn là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng khi định đoạt số phận pháp lý của con người. Và đơn vị nào gây ra oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi. Dù quá trình tạo nên lỗi gây ra trong cả giai đoạn dài, việc cơ quan sau cùng phải xin lỗi là chuẩn nhưng việc quy trách nhiệm phải xử lý theo hệ thống. “Việc xác định lỗi cụ thể của người có trách nhiệm như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để yêu cầu họ bồi hoàn cho ngân sách Nhà nước. Khoản bồi hoàn này cũng phải xứng đáng để họ có trách nhiệm hơn” - Đây mới là chìa khóa mở điểm nghẽn và nâng trách nhiệm của cán bộ ngành tư pháp, tránh oan sai.