Điểm nhấn công nghệ tuần: Trình Quốc hội dự thảo Luật An ninh mạng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trình Quốc hội dự thảo Luật An ninh mạng; vinh danh 53 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu toàn quốc; mã độc tống tiền mới yêu cầu chuộc bằng bitcoin... là nội dung chú ý tuần qua.

Trình Quốc hội dự thảo Luật An ninh mạng
 
Theo Cổng thông tin Bộ Công an, Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 8 chương, 55 điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng quy định các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được quy định trong 7 điều. Cụ thể là: việc xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng; Phòng, chống tấn công mạng; Phòng, chống khủng bố mạng; Phòng, chống chiến tranh mạng; Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; Các biện pháp áp dụng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng; Trách nhiệm của chủ thể sản xuất, kinh doanh thiết bị số và cung cấp dịch vụ mạng, ứng dụng mạng;
Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; Trách nhiệm của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Vinh danh 53 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu toàn quốc
 
Sáng 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tôn vinh Trí thức KH&CN tiêu biểu Hội ngành toàn quốc do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam) tổ chức.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, để thực hiện công tác tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu lần thứ 2 vào năm 2017, ngay từ đầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã triển khai các hoạt động cho hai đợt tôn vinh tại Hải Phòng và Hà Nội phục vụ kịp thời việc tổ chức Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu thuộc Liên hiệp hội tỉnh, TP năm 2017.
Việc thực hiện nhiệm vụ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2017 là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần động viên đội ngũ trí thức đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước đó, ngày 26/9, Hội đồng xét chọn được 53 trí thức thuộc các Hội ngành toàn quốc đủ điều kiện, tiêu chuẩn được tôn vinh tại Lễ tôn vinh Trí thức KH&CN tiêu biểu Hội ngành toàn quốc do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam) tổ chức.
Trong số 53 trí thức được tôn vinh, Hội đồng đã lựa chọn và đề xuất 5 trí thức tiêu biểu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, đại diện cho các lĩnh vực vận động của các Hội ngành toàn quốc, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác vận động trí thức và hoạt động KH&CN, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trong số tri thức tiêu biểu được vinh danh đợt này, có 46 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sỹ và tương đương trở lên. Các trí thức KH&CN tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng gió xuất sắc trong công tác vận động trí thức và công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện, phổ biến kiến thức được Nhà nước, các Bộ, ngành, Liên hiệp Hội Việt Nam tặng các danh hiệu thu đua khen thưởng và được tôn vinh.
Tại buổi Lễ tôn vinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao về ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành khoa học trong sự phát triển kinh tế nước nhà, đồng thời cảm ơn các nhà trí thức, khoa học.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang thực hiện tốt vai trò của mình cho sự phát triển khoa học nước nhà. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy sự sáng tạo khoa học của mình.
Chính phủ hết sức mong muốn Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục phát huy giá trị cao đẹp, có tiếng nói ngày càng rộng, càng sâu hơn trong cơ chế chính sách, có ý kiến nghiên cứu gợi mở cho Đảng, Nhà nước trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Mã độc tống tiền mới yêu cầu chuộc bằng bitcoin
 
Theo trang tin IBT Times, các mạng máy tính của nhiều cơ quan, tổ chức tại Ukraine, Nga và Đức đã ghi nhận tình trạng bị một loại mã độc tống tiền mới tấn công đồng loạt.
Theo nhiều hãng bảo mật mạng, mã độc tống tiền mới lần này có tên là BadRabbit, đây là dạng virus sau khi thâm nhập được máy tính sẽ tiến hành phong tỏa hệ thống và gửi thông báo đòi chủ nhân phải chuộc lại dữ liệu bằng tiền bitcoin.
Phần mềm độc hại này được phát hiện có nét tương đồng với WannaCry và Petya (ExPetr) bùng phát đầu năm nay. Công ty an ninh mạng Kaspersky cho biết, dựa trên quá trình điều tra, đây là cuộc tấn công nhắm vào hạ tầng mạng của các công ty, sử dụng phương pháp tương tự cách dùng trong cuộc tấn công ExPetr. Tuy nhiên chưa thể xác nhận nó có liên quan đến ExPetr.
Theo những hình ảnh chụp lại màn hình của các hệ thống máy tính đã bị loại mã độc này tấn công, những kẻ đứng sau BadRabbit đang đòi nạn nhân của chúng phải trả 0,05 bitcoin (280 USD, tương đương khoảng 6,2 triệu đồng) cho một lần giải mã hệ thống đã bị chúng phong tỏa.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo người dùng không trả tiền chuộc bởi việc này sẽ khuyến khích các vụ tấn công tiếp theo và cũng không có gì bảo đảm tội phạm mạng sẽ giữ lời hứa.
Hồi tháng 5, cuộc tấn công WannaCry đã ảnh hưởng đến một số bệnh viện, nhà máy và nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu phải đóng cửa vì không thể truy cập đến các hệ thống máy tính quan trọng.
Trong khi đó mã độc tống tiền NotPetya xâm nhập đến một số máy tính thuộc cơ quan chính phủ Ukraine và nhiều doanh nghiệp vào tháng 6, trước khi lan rộng qua mạng lưới các công ty đa quốc gia, đặc biệt tại châu Âu.
Đã khắc phục xong sự cố đứt cáp quang biển AAG
 
Theo VNPT lưu lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã được khôi phục vào 23h55 phút đêm 22/10. Trong khi đó, tuyến cáp SMW-3 vẫn chưa được xử lý xong như dự kiến.
Như vậy, việc sửa chữa cáp AAG đã được hoàn tất sớm hơn dự kiến. Sự cố trên tuyến cáp này xảy ra vào 7h20 phút ngày 12/10. Tới ngày 17/10, thông báo từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho thấy tới tối 24/10, việc sửa mới được hoàn tất. Tuy nhiên, trong một thông báo sau đó, thông tin lại cho biết tới 26/10 tuyến cáp mới được khôi phục.
VNPT cũng cho biết thêm, hiện tại Tổng Công ty Hạ tầng mạng - VNPT Net đang giám sát chặt chẽ chất lượng hoạt động của tuyến cáp AAG và phân bổ lại lưu lượng hợp lý sau khi tuyến cáp được khôi phục.
Tính riêng trong năm 2017, đây là lần thứ 4 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Lần khắc phục sự cố gần nhất trên tuyến cáp quang biển AAG vào ngày 27/9 vừa qua.

Được biết, AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần