Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Việt Nam và WEF hợp tác về cách mạng công nghệ 4.0

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác quốc tế về Cách mạng công nghiệp 4.0; Viettel được cấp phép thử nghiệm 5G; Việt Nam phải chịu mã độc tấn công hơn 800.000 lần/ngày... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác quốc tế về Cách mạng công nghiệp 4.0
Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác về Cách mạng công nghiệp 4.0 với Diễn đàn Kinh tế thế giới, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới - Giáo sư Klaus Schwab.

 Đoàn đại biểu Diễn đàn kinh tế thế giới và Chính phủ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.

Ảnh: Vietnamnet

Các thỏa thuận ký kết bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về thành lập Trung tâm liên kết về Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Diễn đàn Kinh tế thế giới về dự án nghiên cứu chính sách mobile money.
Việc ký kết 2 Thỏa thuận này đã góp phần triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức thành công tại Việt Nam vào tháng 9/2018.
Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết (Affiliate Center) về CMCN 4.0. Điều này, khẳng định các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Trung tâm dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019. Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0, nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành về công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo; Internet kết nối vạn vật (IoT); Block chain; Tự động hóa; Thiết bị không người lái và hàng không tương lai; Thương mại Số; Công nghiệp 4.0 về Trái đất; Y tế chính xác; Dữ liệu lớn, những công nghệ có thể áp dụng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi ký thỏa thuận Đối tác Chính phủ, Việt Nam sẽ cùng Diễn đàn kinh tế thế giới hợp tác trong dự án Mobile Money.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông làm công cụ thanh toán các dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử nhỏ lẻ, thay vì chỉ sử dụng riêng cổng thanh toán qua ngân hàng.
Hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới sẽ giúp Việt Nam xây dựng các chính sách phù hợp, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông để giúp thanh toán điện tử đến từ mọi người dân, kể cả người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, kích thích tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, 100% người dân sử dụng điện thoại di động, kể cả điện thoại không phải là smartphone, đều có thể tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Điều này cũng giúp Việt Nam ngay lập tức đạt mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
Viettel được cấp phép thử nghiệm 5G
Bộ TT&TT tuần qua đã quyết định cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel. Giấy phép này được ban hành nhằm mục đích thử nghiệm để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020. Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel là tại 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Quy mô thử nghiệm dịch vụ sẽ không vượt quá 73 vị trí.
 Ảnh minh họa.
Cùng với giấy phép này, Viettel sẽ được sử dụng các đoạn băng tần 2.575 - 2.615 MHz, 3.700 - 3.800 MHz và 26.500 - 27.500 MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm.
Như vậy, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên có giấy phép thử nghiệm mạng 5G. Giấy phép thử nghiệm 5G của Viettel sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ 22/1/2019 - 21/1/2020.
Sau khoảng thời gian này, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp phép thử nghiệm. Viettel cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, đồng thời báo cáo thường xuyên và đột xuất kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Khi được triển khai, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước được cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G, tiến tới thương mại hóa vào năm 2020.
Trước đó, tại hội thảo Đổi mới và Sáng tạo Việt Nam hồi tháng 11/2018, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ là một trong những nước triển khai 5G đầu tiên trên thế giới.
Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.
Việt Nam phải chịu mã độc tấn công hơn 800.000 lần/ngày

Theo bản đồ theo dõi an ninh mạng toàn cầu của Kaspersky, nếu tính số lượng lây nhiễm mã độc, trung bình mỗi ngày trong tháng 1/2019, Việt Nam đã hứng chịu tới hơn 800.000 lần.

 
Riêng ngày 21/1, số lượng một ngày lên đến gần 900.000. Còn nếu tính theo tỷ lệ người dùng internet, 21,5% người dùng ở Việt Nam phải đối mặt với các mối đe dọa tấn công mạng thời gian qua.
Bên cạnh chịu tác động, Việt Nam cũng đang trở thành nguồn phát tán mối đe dọa bảo mật lớn trên thế giới. Nằm trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trở thành đất nước an toàn khi tham gia không gian mạng, Kaspersky cho biết đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm an ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCSC).
Giám đốc điều hành Kaspersky Lab APAC Stephan Neumeier cho rằng, Luật An ninh mạng là bằng chứng cho thấy an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. "Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác lâu dài mà hai bên hướng tới với các hoạt động cụ thể, hiệu quả và thiết thực hơn vì một môi trường mạng an toàn", ông Stephan Neumeier nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, trong quý 4/2018, đã có 992.952 cuộc tấn công trực tuyến xuất phát từ Việt Nam.
Về các cuộc tấn công trực tuyến, 21,5% người dùng phải đối mặt với các mối đe dọa. Về phát hiện lây nhiễm được cập nhật liên tục trên mỗi giây, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các quốc gia bị lây nhiễm nhiều nhất.