Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sàn làm… chảy máu chất xám?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuyển sinh đa tiêu chí, trong đó một tiêu chí dựa vào điểm sàn của Bộ GD&ĐT là đề xuất được các trường ngoài công lập đưa ra trong cuộc họp của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sáng 22/5. Cách làm này được coi là cứu cánh các trường ngoài công lập khi sắp rơi vào cảnh "đóng cửa".

"Kết tội" điểm sàn

Nói về thi 3 chung và điểm sàn, GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội bức xúc: Hướng tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT hiện nay chưa đi đúng với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Chủ trương sinh viên (SV) ngoài công lập (NCL) chiếm 40% tổng số SV, nhưng 6 - 7 năm nay mới chỉ đạt 15%, vậy mà tuyển sinh cũng không được.

Đi sâu vào phân tích kỳ thi 3 chung và tiêu chí điểm sàn, GS Trần Phương đặt câu hỏi: "Lý gì Bộ bắt 1 triệu học sinh (HS) vừa thi tốt nghiệp THPT, 1 tháng sau lại thi ĐH? Tôi thấy điểm sàn có 3 "tội" đối với đất nước: Thứ nhất, không thích hợp với mọi ngành học. Chẳng hạn, trường tuyển sinh ngành Điện tử chỉ cần điểm môn Toán, Lý nhưng vẫn phải lấy điểm môn Hóa. Thứ hai, điểm sàn không thể là tiêu chí thích hợp đối với mọi trường ĐH và CĐ, bởi mỗi loại trường ở mỗi vùng cần có một mức điểm sàn khác nhau. Việc Bộ quy định điểm sàn chung cho các trường như vậy sẽ gây thiệt thòi cho HS vùng dân tộc thiểu số và đồng bằng sông Cửu Long. Thứ ba, điểm sàn không thích hợp áp dụng ở nước ta. Việc xét tuyển theo điểm sàn đã đẩy hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám".
 
Điểm sàn làm… chảy máu chất xám? - Ảnh 1
 
Sinh viên trường Đại học FPT.   Ảnh:  Trần Đạt
 

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cũng không tán thành việc thi tốt nghiệp THPT, rồi sau 1 tháng lại thi ĐH. Tuy nhiên, ông có quan điểm ngược với GS Trần Phương khi “kết tội” điểm sàn: "3 chung không có tội, điểm sàn không có tội. 3 năm gần đây chúng ta rơi vào tình cảnh không tuyển sinh được là bởi sai lầm từ cách xác định điểm sàn không đúng".

Tuyển sinh đa tiêu chí

Với cách phân tích trên, nhiều hiệu trưởng ĐH NCL đề nghị Bộ GD&ĐT ngay trong năm 2013 cho phép các trường NCL thực hiện tuyển sinh đa tiêu chí, trong đó có dựa vào kết quả 3 năm học phổ thông, điểm thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là cách làm thí điểm trước khi kết thúc phương thức thi 3 chung, điểm sàn để đi đến xét tuyển đã được quy định ở Điều 34 của Luật Giáo dục ĐH.

Với tuyển sinh đa tiêu chí, GS Trần Phương kiến nghị, từng trường sẽ tuyển sinh bằng cách xét điểm phổ thông của 8 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ; dựa vào học bạ của HS trong 3 năm THPT. Đối với một số ngành đặc biệt thì có thêm thi tuyển năng khiếu. Tất nhiên, với việc năm nay Bộ GD&ĐT vẫn quyết định thi 3 chung, có điểm sàn, Bộ nên cho phép các trường NCL lấy điểm sàn làm căn cứ xét tuyển. Chẳng hạn, các trường dựa vào điểm sàn chiếm 20% các tiêu chí xét tuyển, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 30%, học bạ THPT 30%, lấy nhiều tiêu chí khác cho các trường tuyển chọn 20%... Làm được điều này, các trường sẽ không còn cảnh thiếu học trò. Đồng tình với đề nghị này, ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng ĐH Bình Dương có ý tưởng: Với việc xét tuyển các tiêu chí, những em tốt nghiệp THPT đạt 30 điểm trở lên thì cho học ĐH, những em đạt từ 25 đến dưới 30 điểm thì học dự bị ĐH. GS Trần Hữu Nghị đề xuất: "Khi Bộ vẫn quyết định thi 3 chung và có điểm sàn thì chúng ta nên tìm đến phương án xét tuyển ĐH dựa vào tiêu chí điểm thi 3 chung là 40%, quá trình học tập, 3 năm học là 30%, điểm thi tốt nghiệp THPT 30%. Và các em phải đạt hạnh kiểm trung bình khá trở lên".

Hiện nay, 10 trường đã có đề án tự chủ tuyển sinh gửi lên Bộ GD&ĐT. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Hiệp hội tiếp tục kiên trì kiến nghị với Bộ và Chính phủ cho các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ tuyển sinh ngay trong năm nay. Tuyển sinh đa tiêu chí không chỉ giúp cho các trường dôi dư nguồn tuyển, mà còn khoa học, có độ mềm dẻo thích hợp với từng trường và các ngành khác nhau".