Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện ảnh Việt Nam đổi mới: Con đường nào để tới đỉnh cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Yếu kém, thiếu kịch bản, thiếu kinh phí thậm chí là thiếu nhân tài…đây là những nguyên nhân mà những người làm điện ảnh nước nhà đã thừa nhận. Vấn đề là làm thế nào để trong giai đoạn hiện nay, các nhà làm phim sẽ sáng tạo được những tác phẩm điện ảnh xứng tầm với điện ảnh cách mạng Việt Nam đã vang bóng một thời?

“Càng nhiều người tới rạp càng buồn”

Một thời kỳ dài, sau đổi mới đến trước năm 2000, các rạp chiếu phim của nước ta biến thành quán nhậu, quán café… Sau “Gái nhảy” của Lê Hoàng, thói quen đến rạp của khán giả mới bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, dòng người mua vé vào rạp càng dài thì nỗi buồn của người làm phim càng tăng- đó là chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Nghe như có vẻ bất hợp lý nhưng lại là có lý với nền điện ảnh đang sa vào những đề tài giải trí nhạt nhẽo. Bởi theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, điện ảnh Việt Nam nhất là giai đoạn gần đây chỉ có 3 đề tài: hài, đồng tính và…gái. Thậm chí, các nhà làm phim còn cho rằng, thiếu ba yếu tố ấy thì đừng có bỏ tiền làm phim. Đạo diễn của “Trăng nơi đáy giếng” chia sẻ: “Tôi đã từng đứng nhìn dòng người xếp hàng mua vé vào rạp chiếu phim. Tôi không hiểu sao họ đều là những nam thanh nữ tú, sang trọng lại hào hứng với những bộ phim như thế. Tôi vào rạp và ngồi cùng họ, thấy họ càng hứng khởi bao nhiêu thì mình càng buồn bấy nhiêu bởi các bộ phim ấy chẳng nói lên điều gì”. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng kể một câu chuyện mà ông làm chứng, có một nhóm đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam định lập một studio. Nhưng khi đi xem bộ phim “Long ruồi”, họ ngồi không được 15 phút thì không chịu nổi và đứng dậy ra về, bỏ luôn ý định làm studio ở Việt Nam.
 
Điện ảnh Việt Nam đổi mới: Con đường nào để tới đỉnh cao - Ảnh 1
Điện ảnh Việt Nam sau đổi mới hãy học tập chính thế hệ đi trước (Cảnh bộ phim nổi tiếng Bao giờ cho đến tháng Mười)
 
Ví dụ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chỉ là một trong nhiều bộ phim đang được sản xuất một cách dễ dãi của điện ảnh tư nhân Việt Nam. Vẫn biết, làm phim giải trí không có gì là xấu, nhưng cũng đã đến lúc cảnh báo về chất lượng các bộ phim thuần giải trí của Việt Nam hiện nay.

Có những bộ phim thu bội tiền trong dịp Tết nhưng cũng chỉ bán được trong khoảng 10 ngày Tết rồi không ai nhắc đến nữa. Vào rạp chiếu phim sẽ thấy chất lượng các phim Việt hiện nay ra sao.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Sau đổi mới, chúng ta có vẻ tự hào về một nền điện ảnh nhiều thay đổi. Với tư cách là một nhà làm phim, tôi lại không nghĩ như vậy. Khi vào rạp, tôi chỉ thấy khán giả trẻ chủ yếu là “teen” và thế hệ dưới 30 tuổi. Hầu như không thấy trung niên và giới trí thức. Phim Việt hầu như chỉ để người Việt xem”. Lý do của điều này cũng được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định, chúng ta đang nặng về phim giải trí mà xem nhẹ tính vấn đề.

Con đường nào để đi lên?

T.SAruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á (Netpac) cho biết: “Tôi được biết đến những bộ phim Việt Nam về chiến tranh vô cùng xúc động như “Cánh đồng hoang”. Tôi xem cách đây 20 năm vẫn còn nguyên xúc động nhất là hình ảnh người phụ nữ trẻ quá đau khổ tuyệt vọng khi chồng bị máy bay bắn chết...Tôi nghĩ HANIFF không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc lôi kéo khán giả đến với điện ảnh. Năm 1994, có 3 phim lớn sản xuất tại Pháp về Việt Nam tham dự nhiều LHP quốc tế là “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ”, “Người tình” thu hút nhiều khán giả Pháp nhất cho đến thời điểm đó. Đây là một dấu mốc đặc biệt. Tôi cũng nhớ đến “Thương nhớ đồng quê” của Đặng Nhật Minh khi nông dân phải đối mặt với quá trình đổi mới, rồi “Cô gái trên sông”... Những phim kể về nhiều điều trong quá khứ, về sự phát triển vượt lên của Việt Nam. Tôi hy vọng những người trẻ không chạy theo yếu tố thị trường, giải trí mà tiếp tục làm phim như thế hệ đi trước đã làm”.

Quan điểm này cũng được bà Heneriko Jeannette Paulson- Chủ tịch diễn đàn điện ảnh châu Á- Thái Bình Dương, nguyên giám đốc LHP quốc tế Hawai đồng tình: “Năm 1985, lần đầu tiên chúng tôi (LHP quốc tế Hawai) đã giới thiệu bộ phim Việt Nam “Bao giờ cho đến tháng Mười”- bộ phim giàu tính nhân văn, gây xúc động sâu sắc, đoạt giải thưởng danh dự của BGK. BTC cũng mời đạo diễn đến Mỹ nhưng ông Đặng Nhật Minh không đến được. Sau bộ phim đó năm 1986 một học giả Mỹ của chúng tôi sang Việt Nam chọn phim và đem về “Mê thảo thời vang bóng”. Năm 1987, chúng tôi đưa ra chủ đề “Điện ảnh Việt Nam sức mạnh từ quá khứ” để tìm kiếm những bộ phim chất lượng cao. Quay ít cảnh, thoại ít nhưng thể hiện nội tâm từ một ánh mắt, một dáng đi làm xúc động người xem. Năm 1988, chúng tôi chọn 5 phim Việt Nam đều về chiến tranh “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... mời một số đạo diễn Việt Nam sang Mỹ như Đặng Nhật Minh, Bùi Đình Hạc...Tôi còn nhớ câu chuyện về hai rạp chiếu phim, một rạp chiếu phim Việt Nam về chiến tranh, một rạp chiếu phim Mỹ cũng về chiến tranh. Và khán giả hai rạp xem xong đã đổi rạp xem phim của nhau và cuối cùng hai nhà làm phim Mỹ- Việt đã ôm nhau khóc. Tôi không thể quên hình ảnh đó. Chúng tôi đưa nhiều phim Việt Nam qua Netpac, gửi phim vào thư viện các trường Đại học ở Mỹ.CNN đã công nhận “Bao giờ cho đến tháng Mười” là một trong 18 phim nổi tiếng nhất mọi thời đại. Có một nền tảng như thế, các bạn không cần học đâu xa mà hãy học ngay chính thế hệ đi trước mình”.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ II- 2012 (HANIFF), hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” đã được Cục Điện ảnh tổ chức chiều 26/11 với mục đích nhìn nhận những bước phát triển, những nét đặc trưng của phim Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (cuối năm 1986- nay); đánh giá những thành tựu và hạn chế của điện ảnh Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà làm phim trong nước và các nhà làm phim đến từ các nền điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp…tập trung vào các chủ đề: Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới; Điện ảnh việt Nam mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế từ năm 2000 đến nay và Kinh nghiệm phát triển điện ảnh của một số nước châu Á.