Mục tiêu của hội thảo này là để chuẩn bị và điều phối sự tham gia của Việt Nam trong Diễn đàn các hành lang kinh tế lần thứ 6 (DĐHLKT-6) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7-8/8/2014. Hội thảo tiến hành thảo luận về kết quả đạt được và các yêu cầu tiếp theo của các HLKT GMS; thảo luận kết quả đạt được và các yêu cầu tiếp theo về tạo thuận lợi thương mại và giao thông vận tải, về các khu hợp tác kinh tế qua biên giới; thảo luận phương hướng sắp tới của D ĐHLKT nhất là các cơ cấu, thể chế định hướng hoạt động. Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết: DĐHLKT GMS được hình thành tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 6/6/2008 nhằm thúc đẩy quá trình chuyển hóa một số hành lang giao thông ưu tiên tại khu vực GMS thành các HLKT. Là nhân tố chính hậu thuẫn, xúc tiến sự phát triển của các HLKT GMS, diễn đàn có 4 nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất, nâng cao tầm quan trọng và nhận thức về các yêu cầu, ưu tiên phát triển HLKT GMS. Thứ hai, tăng cường hợp tác, điều phối, giao lưu giữa các diễn đàn, nhóm công tác và các bên liên quan đến GMS thuộc các HLKT. Thứ ba, hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy sự phát triển của các HLKT GMS. Thứ tư, tăng cường vai trò của địa phương, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tăng cường hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong quá trình phát triển các HLKT GMS. DĐHLKT-6 nhằm mục đích kiểm điểm tình hình và đưa ra những định hướng chung cho DĐHLKT ít nhất cho chu kỳ hoạt động 6 năm tiếp theo. Diễn đàn lần này sẽ đánh giá kết quả triển khai Hiệp định Vận tải xuyên biên giới GMS và các giải pháp tạo thuận lợi thương mại và giao thông vận tải khác, đồng thời xem xét vai trò và kinh nghiệm của các quốc gia GMS trong việc thúc đẩy sự phát triển của các đặc khu kinh tế nhằm hỗ trợ sự phát triển các HLKT. Ban tổ chức cho biết, trước thềm DĐHLKT-6, tại Hà Nội sẽ diễn ra một hội thảo quốc gia về HLKT GMS. Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại 6 nước gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và đồng đều. Chương trình GMS theo đuổi chiến lược 3C, gồm: Tăng cường sự liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tinh thần cộng đồng.