Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ kêu gọi các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức song phương và đa phương đưa ra những khuyến nghị phù hợp cho Việt Nam xử lý vấn đề nợ công, và tăng trưởng cao. "Việt Nam hơn lúc nào hết cần những đánh giá của các chuyên gia về triển vọng kinh tế 2016 - 2020, những yếu tố tác động và những thách thức cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới" - ông Dũng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, câu chuyện đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ là tăng trưởng nhanh mà cần bền vững. Vậy đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, năng suất lao động thấp, những động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn, nợ xấu còn cao, bội chi ngân sách còn lớn? Câu trả lời nằm chính ở chủ đề của Diễn đàn VDF lần này: “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển”, bởi Chính phủ kiến tạo và hành động có nghĩa sẽ tạo ra những cơ hội cho người dân, cho DN được làm giàu chính đáng, bớt đi những cản trở cho sự phát triển. Tập trung xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế phù hợp, tạo điều kiện để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo đóng góp cho xã hội; xóa bỏ rào cản, người dân, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm… thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế thị trường cũng như cách tiếp cận mang tính thị trường. Cần đặt mục tiêu đối với kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 là đem lại lợi ích lớn cho người dân. Thêm vào đó, những nguồn ODA cần được sử hiệu quả hơn, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Hiện đại hóa khung điều hành chính sách tiền tệGiám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính khu vực châu Á - châu Âu của WB John Panzer nhấn mạnh đến các vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách cũng được coi là điểm nóng của kinh tế vĩ mô khi Chính phủ Việt Nam có nhiều quyết sách giảm tỷ lệ nợ công, thắt chặt chi đầu tư công, chi thường xuyên bằng kỷ luật ngân sách.
Theo ông Panzer, cần cải thiện khả năng tiên đoán trước và độ tin cậy của định hướng chính sách, thực hiện một cách kiên định, có chủ đích quá trình điều chỉnh tài khóa theo lộ trình phù hợp, đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài khóa, và quản lý nợ tốt hơn với trọng tâm là phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước.
Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - ông Jonathan Dunn thì cho rằng, cải cách vĩ mô để tăng trưởng cần tập trung vào các vấn đề như hiện đại hóa khung điều hành chính sách tiền tệ, với một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn cùng các công cụ dự phòng rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó, giải quyết nhanh nợ xấu sẽ giúp hệ thống tín dụng có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho các DN tư nhân có khả năng cạnh tranh. Cần có các chính sách để hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện các trung gian tài chính, để các nguồn lực tới được những DN tư nhân có tính cạnh tranh cao.