Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn trẻ em TP Hà Nội 2018: Giải đáp nhiều vấn đề nóng

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/8, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Diễn đàn trẻ em TP Hà Nội 2018 chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”, với sự tham dự của 120 trẻ em đại diện cho 1,8 triệu trẻ em trên toàn TP.

 Tại diễn đàn, các em mong muốn có sân chơi bổ ích, được bảo vệ khỏi nạn xâm hại, bạo hành cũng như không bị lạc trên mạng xã hội và áp lực học hành.

Nhiều hệ lụy từ lạm dụng mạng

“Với sự phát triển của công nghệ số, từ thế giới ảo thành thế giới thực có rất nhiều nguy hại, các bác có biện pháp gì bảo vệ chúng con?”, trả lời câu hỏi của một học sinh đến từ huyện Hoài Đức, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Thị Nga phản hồi: “Mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ cho trẻ em. Vì thế, nhiều địa phương đã lấy chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 là “Bảo vệ trẻ em trên môi trường công nghệ số”.
 Trẻ em gửi đến các đại biểu những kiến nghị, đề xuất để bảo vệ mình. Ảnh: Trần Oanh
Luật Trẻ em quy định trẻ được quyền tiếp cận thông tin trên môi trường mạng; văn bản pháp luật yêu cầu DN tham gia môi trường mạng phải đăng thông tin phù hợp với trẻ em”. Theo bà Nga, pháp luật không cấm các em kinh doanh trên mạng nhưng nếu quá đam mê sẽ ảnh hưởng đến các quyền khác của mình, trong đó có học tập.

Một học sinh THCS đến từ huyện Đan Phượng lại gửi đến diễn đàn những nỗi lo về áp lực học hành, nhất là khi biết thông tin mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức thi Toán, Văn và 1 bài tổ hợp gồm 4 môn.

"Những kiến nghị và đề xuất của các em sẽ góp phần quan trọng để những người làm công tác quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thực hiện phù hợp và hiệu quả. Từ đó, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên toàn TP." - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang phản hồi: Phương án thi và xét tuyển vào lớp 10 được thực hiện hơn 10 năm qua đã không còn phù hợp. Hiện nay, 3 phương án đang được Sở lấy ý kiến, sau đó tổng hợp lại và xin chỉ đạo của TP. “Khi các con hiểu và nắm chắc kiến thức, chỉ cần có học lực trung bình sẽ làm được bài ở mức độ tương đối. Phương án nào được chọn thì các con cứ yên tâm học bình thường, học toàn diện và không phải đi học thêm” – ông Quang nhấn mạnh.

Hỗ trợ kịp thời trẻ bị xâm hại

Xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề được các em băn khoăn, lo lắng và gửi đến các đại biểu nhiều câu hỏi. Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH Hà Nội Đỗ Thị Hải Đường chia sẻ: “Một em bé bị xâm hại tình dục, sự đau đớn và tổn thương không chỉ đến với em đó mà cả những người thân”. Tuy nhiên, bà Hải Đường khẳng định: Những em bị xâm hại tình dục vẫn có tương lai. Nếu được can thiệp sớm và hiệu quả thì sự ảnh hưởng sẽ giảm đi rất nhiều. Hiện nay, nghị định 56 của Chính phủ quy định quy trình can thiệp trẻ em bị xâm hại, bao gồm tiếp cận, đánh giá mức độ tổn thương và xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ. Thực tế, ngay khi nắm được thông tin trẻ em bị xâm hại, hệ thống các cấp (xã, phường, quận, huyện, TP) đã có sự can thiệp kịp thời và làm những gì tốt nhất cho nạn nhân. Chỉ có điều gia đình, bạn bè và người thân biết thông tin trẻ bị xâm hại thì phải báo cáo ngay.

Một thành viên đến từ Hội đồng trẻ em - Thành đoàn Hà Nội đặt câu hỏi: Trẻ em vô gia cư bị xâm hại tình dục thì gọi cho ai để giúp đỡ, trong trường hợp không có điện thoại sẽ phải làm sao? Và, câu trả lời đó là, Hà Nội luôn quan tâm đến vấn đề trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. TP đã giao trách nhiệm cho các địa phương, chỉ cần biết bạn nhỏ ấy ở đâu, tên là gì sẽ được hỗ trợ ngay. Trong trường hợp không có tiền, các bạn có thể mượn điện thoại của ai đó gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 miễn phí để được hỗ trợ…