Ngay sau khi Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X được ban hành, tháng 8/2008, TP Hà Nội đã xây dựng hơn 100 chương trình hành động, kế hoạch, đề án, chính sách…, tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng. Cùng với hoàn thiện thể chế, chính sách, giai đoạn 2008 - 2018, tổng kinh phí Hà Nội đã huy động thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X là trên 118.719 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách đạt gần 13.396 tỷ đồng.
|
Chăm sóc hoa cúc tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Lâm Nguyễn |
10 năm qua, TP đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô. Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Định hướng đúng đắn cùng sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân đã tạo đòn bẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Đến nay, sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đã có nhiều bước tiến lớn. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 41.741 tỷ đồng, tăng 207,3% so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người nông dân đạt gần 43,2 triệu đồng/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,8%.
Đặc biệt, toàn TP hiện đã có 4/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức). Trong năm 2018, TP chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho 4 huyện: Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới. Với 297/386 xã đã đạt chuẩn, Hà Nội được T.Ư đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Thích ứng thời cơ mớiNhững thành tựu nổi bật đã đạt được là minh chứng rõ nét nhất cho tính đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được đầu tư chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong giai đoạn tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, văn minh, hiện đại. Đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn. Thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ông Tường kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sự thông thoáng, cũng như trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất, tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.