Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diện mạo mới sau tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô có phần đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàn...

Kinhtedothi - Những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô có phần đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng (NH). Kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, hạ thấp lãi suất, tăng dự trữ ngoại hối… là các chỉ số mạnh cho thấy những bước đi thận trọng tái cơ cấu hệ thống các NH thương mại (NHTM) đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Thoát đổ vỡ hàng loạt

Ngay từ đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH (2011 - 2015) tập trung xử lý những NH yếu kém nhất, các NH thiếu thanh khoản, đó là những mắt xích có thể đứt vỡ bất kể lúc nào. Sang giai đoạn 2 sẽ làm đồng bộ hơn, là một sự “nâng cấp mới” của sắp xếp và tái cơ cấu hệ thống để tốt hơn, bền vững hơn.
Giao dịch tại một chi nhánh Agribank Hà Nội.  	Ảnh:  Trần Việt
Giao dịch tại một chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Trong năm 2015 đã có nhiều vụ mua bán - sáp nhập (M&A) NH được thực hiện thành công. Và dự kiến đến năm 2017, cả nước còn lại khoảng hơn 20 NHTM mạnh. Hiện, hệ thống NH Việt Nam có một NHTM Nhà nước (Agribank), 37 NHTM CP (kể cả 3 NHTM đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng), 5 NH 100% vốn nước ngoài, 4 NH liên doanh, 1 NH chính sách và 1 NH HTX. Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2015 trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCCD) đã được thực hiện. Chương trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng - NH dường như thu được nhiều kết quả ấn tượng hơn cả trong 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua, với những điểm nhấn đặc biệt: Hệ thống NHTM đã ngày càng cải thiện được tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống; giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng, giúp các NH tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc. Thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, thanh khoản của hệ thống NH tốt hơn.

Đau đáu định vị trong tương lai
Thành công đáng ghi nhận nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH Việt Nam là đã đưa hệ thống NH thoát khỏi đổ vỡ hàng loạt. Bài toán lớn nhất còn lại của tái cơ cấu là giải quyết nợ xấu. 

TS. Trần Thị Thanh Tú 

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội

Là một trong những NH tiên phong thực hiện tái cơ cấu và nhận sáp nhập NHTM CP Nhà Hà Nội (HBB), ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc NHTM CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, sau khi nhận sáp nhập, nợ xấu tăng lên 8,52%, bù đắp lỗ cho HBB lợi nhuận trước thuế của SHB chỉ còn 26 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2012. Tuy nhiên, sau tái cơ cấu, SHB đã lọt vào top 5 NHTM CP (không có vốn Nhà nước chi phối) có quy mô hoạt động kinh doanh lớn trên thị trường với tổng tài sản 183.309 tỷ đồng. SHB cũng đã xử lý được 7.187 tỷ đồng nợ xấu từ HBB chuyển sang, hiện nợ xấu của SHB chỉ còn chiếm 2,38% tổng dư nợ. Nhưng đây vẫn là gánh nặng mà theo ông Lê, SHB vẫn đang tiếp tục xử lý.

Khác với SHB, NHTM CP Tiên Phong (TPBank) tự đứng ra tái cơ cấu, kêu gọi cổ đông mới. Sau khi tái cơ cấu, được bơm vốn từ cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, thanh khoản của NH được cải thiện, ổn định trở lại. Năm 2015, tổng tài sản của TPBank đạt 70.000 tỷ đồng (trước tái cơ cấu là 12.000 tỷ đồng); lượng khách hàng tăng từ 60.000 lên hơn 1 triệu; dư nợ tín dụng tăng khoảng 36.000 tỷ đồng. Nợ xấu giảm chỉ còn 0,38% tổng dư nợ, lợi nhuận năm 2015 vượt chỉ tiêu đại hội cổ đông đặt ra đạt 650 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc mua lại NH 0 đồng và tái cấu trúc chưa thể có câu trả lời ngay về tính hiệu quả, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra NHNN, đến nay, cả 3 NH 0 đồng đều đã ổn định, dòng tiền gửi đã trở lại rất tốt và thanh khoản hoàn toàn được đảm bảo. "Hiện nay, dự trữ thanh khoản của NH Xây dựng là 1.000 tỷ đồng; GPBank là 3.000 tỷ đồng và OceanBank là 7.000 tỷ đồng. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân" - ông Nghĩa khẳng định.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế, chính sách. Câu hỏi mà có lẽ bất kỳ TCTD nào trong hệ thống cũng đều đang đau đáu là định vị mình trong tương lai ra sao, với mô hình nào, chuẩn nào, con đường nào để phát triển mà không lặp lại vết xe cũ…?
Cần có cơ chế thanh lọc cơ cấu cổ đông nhằm loại trừ sự liên kết móc ngoặc giữa các cổ đông. Điều đó sẽ đảm bảo cho thành công của quá trình tái cơ cấu NH không bị đảo ngược. Bên cạnh đó, cần từng bước nâng cao năng lực quản trị điều hành của hệ thống NH theo chuẩn mực quốc tế dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 
TS Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia