KTĐT - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép tăng giá điện lên 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009, áp dụng kể từ 1/3/2010. Trên thực tế, mức tăng giá này đã được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 12/2/2010 theo công văn số 50/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề án giá điện năm 2010.
Theo phương án tăng giá điện được Thủ tướng duyệt, giá bán điện bình quân của năm 2010 sẽ là 1.058 đồng/kwh và chia làm 7 bậc thang. Riêng bậc thang 50 kwh đầu tiên, giá điện vẫn giữ nguyên. Mức tăng giá điện 6,8%, theo ước tính sẽ có tác động làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,28%, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trực tiếp từ 0,17% - 0,22%.
Cùng với việc gấp rút hoàn thiện biểu giá điện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng để ban hành ngay trong tuần này, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các công việc liên quan đến chốt chỉ số và cài đặt lại cho công- tơ điện tử để kịp thời điểm áp dụng giá điện mới. Tuy vậy, việc này cũng được dự tính là sẽ cần thêm thời gian trong tháng 3/2010, bởi có cả triệu công tơ điện tử cần phải thực hiện các công việc liên quan. Nguyên tắc chốt chậm công tơ có lợi cho người tiêu dùng được áp dụng trong lần điều chỉnh giá điện năm ngoái dự kiến cũng được áp dụng trong lần điều chỉnh này.
Với mức tăng 6,8% so với mức giá bán điện bình quân hiện hành (không phải mức giá được công bố trong lần tăng giá điện năm 2009 là 948,5 đồng/kWh), tổng tiền điện tăng thêm sẽ hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó riêng các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí tiền điện thêm 2.200 tỷ đồng. Các lĩnh vực chịu tác động mạnh của lần tăng giá điận l̀n này sẽ là sản xuất nước sạch, điện phân, kéo sợi, cán thép với mức tăng chi phí sản xuất trong giá thành sản phẩm từ 0,2% đến 2,7%. Đối với các hộ gia đình sử dụng điện có mức tiêu thụ dưới 400 kWh/tháng, mức tiền điện tăng thêm được các Bộ tính toán là dưới 20.000 đồng/tháng.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết: Mức tăng giá điện 6,8% lần này dĩ nhiên đã được các cơ quan chức năng cân nhắc để không tạo ra những đột biến về chi phí trong đời sống của người dân cũng như của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo được việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng như điện và than khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với thực tế ảnh hưởng liên hoàn của các mặt hàng trong khi chi phí sản xuất, giá thành của nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp nhà nước đang độc quyền cung cấp chưa thực sự công khai, rõ ràng thì sự e ngại về việc tăng giá theo “hiệu ứng domino” là điều dễ hiểu.
Việc tăng giá điện xét về nguyên tắc là để thu hút thêm đầu tư vào ngành điện khi thực tế nhiều nhà đầu tư bên ngoài hiện đều không mặn mà đầu tư với giá điện hiện nay, dẫn tới nguy cơ điện không thể đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc chấp nhận phương án giá điện năm 2010 tăng 6,8% cũng cho thấy rõ rằng, việc tăng giá điện mới đáp ứng phần lớn nhu cầu của việc điều chỉnh giá than. Trong phương án giá điện tăng chưa đến 5%, giá than được tính toán ở mức tăng 15%. Với phương án giá điện tăng 6,8%, giá than được chấp nhận ở mức 28%, còn các yếu tố khác vẫn giữ nguyên như những phương án khác.
Trong khi đó, tác động đến giá điện không chỉ có giá than mà còn có giá dầu diesel, giá khí, thang bảng lương theo quy định của Nhà nước hay tỷ giá ngoại hối , tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư trong lĩnh vực này… Bởi vậy, việc tăng giá xăng thêm 500 đồng/lít từ ngày 21/2 vừa qua hay thực tế giá dầu thế giới đang biến động lên mức xấp xỉ 80 USD/thùng (cao hơn so với con số 69 USD/thùng được tính toán cho giá điện năm 2010) hay đề nghị tăng giá khí bán cho điện của Tập đoàn Dầu khí, theo bước đề nghị tăng giá than cho điện của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, đều được xem là những nguy cơ khiến giá điện bị đội lên và đối tượng hứng chịu là người dân và nền kinh tế.
Cũng bởi thực tế này mà việc kiểm toán và công khai các thông số chi phí liên quan của những mặt hàng do các doanh nghiệp nhà nước độc quyền cung cấp như than, điện, dầu, khí là điều cần làm liên tục. Có như vậy, người dân và các doanh nghiệp nói chung mới không lo ngại các mặt hàng chính yếu đua nhau tăng giá.