KTĐT - Nhiều công trình lớn của đất nước có đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ giảng viên, sinh viên của Trường, như đường Trường Sơn, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, đường sắt Thống nhất, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Cần Thơ, hầm Thủ Thiêm, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương…
PGS.TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, để tìm “đầu ra” cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, trường thường xuyên tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào đạo để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo.
PGS.TS Sử cho biết: nhiều chục năm qua, hầu hết cán bộ kỹ thuật và quản lý chủ chốt ngành GTVT đều được đào tạo từ Trường Đại học GTVT.
Nhiều công trình lớn của đất nước có đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ giảng viên, sinh viên của Trường, như đường Trường Sơn, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, đường sắt Thống nhất, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Cần Thơ, hầm Thủ Thiêm, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương…
Các công nghệ, vật liệu, thiết bị mới trong thi công các công trình giao thông được các nhà khoa học của trường đi đầu tiếp cận, chuyển giao thành công cho đơn vị sản xuất, tìm giải pháp sản xuất trong nước. Hàng trăm đề tài nghiên cứu của trường được ứng dụng trong thực tế mấy chục năm qua. Đến nay, trường đã đào tạo cho ngành GTVT và đất nước trên 46.000 kỹ sư, trên 1.000 thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ.
Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, nhà trường đã đổi mới thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học?
Nhà trường đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; lấy đổi mới chương trình, nội dung đào tạo làm yếu tố quyết định, lấy đổi mới phương thức điều hành, quản lý nhà trường làm đòn bẩy tạo bước đột phá.
Trong đó, một bước quan trọng là cơ cấu lại chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học theo hướng hiện đại hoá. Tiếp cận các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; phối hợp tổ chức các chương trình chất lượng cao như: Chương trình tiên tiến về xây dựng công trình giao thông, cầu đường Pháp, cầu đường Việt - Nhật, điện tử Việt - Anh…; tổ chức đào tạo hai giai đoạn với các trường đại học danh tiếng như Đại học Kỹ thuật Damstardt (Đức), Đại học Đường sắt Mátxcơva (Nga)…
Cùng đó, trường chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và phát huy vai trò chủ động của người học. Thời lượng thí nghiệm, thực hành được bố trí hợp lý.
Mối quan tâm hàng đầu của sinh viên khi ra trường là có việc làm. Nhà trường đã quan tâm đầu ra của sinh viên như thế nào?
Chúng tôi giữ quan hệ mật thiết với các đơn vị sản xuất, thường xuyên tiếp nhận thông tin phản hồi về chất lượng đào tạo và các yêu cầu của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo các ngành học sau khi xây dựng xong, được gửi đến các đơn vị sử dụng lao động xin ý kiến góp ý trước khi Hội đồng Khoa học - Đào tạo thông qua.
Hiện nay, trường đã ký kết văn bản hợp tác với trên 50 đơn vị trong và ngoài ngành GTVT. Các đơn vị này tiếp nhận giảng viên, giáo viên đến thực tập, thực tế; tham gia hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp hay nghiên cứu khoa học.
Theo thống kê của trường, hiện nay có hơn 90% sinh viên Đại học GTVT tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo; trong đó trên 80% có việc làm ngay trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Đó cũng là một tín hiệu vui đối với nhà trường.
Theo ông, đâu là nút thắt trong quá trình tiếp cận mô hình, công nghệ đào tạo mới trong thời hội nhập?
Đó là thách thức về tài chính. Nhu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo rất lớn trong khi nguồn lực của các trường còn rất hạn hẹp. Mức học phí thấp, cơ chế xã hội hoá và huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động của trường đại học còn thiếu cởi mở.
Điều này khiến các trường rất khó đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều khó khăn chung mà các trường đại học đang gặp phải là cơ sở vật chất hạn chế, thiết bị thí nghiệm, thực hành lạc hậu, thu nhập của giáo viên còn thấp, khiến người giỏi không muốn về làm giảng viên...