Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh chiến lược xuất khẩu gạo, nên chăng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những dự báo gần đây nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) về sản xuất lương thực toàn cầu cho thấy nguồn cung năm nay sẽ cao hơn dự kiến do nhiều nước sản xuất lương thực lớn được mùa:

KTĐT - Những dự báo gần đây nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) về sản xuất lương thực toàn cầu cho thấy nguồn cung năm nay sẽ cao hơn dự kiến do nhiều nước sản xuất lương thực lớn được mùa: Sản lượng lương thực của Ấn Độ tăng 13%, của Trung Quốc tăng 3%, Thái Lan và Việt Nam đều liên tục được mùa.


Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu đang giảm dần so với trước. Năm nay cung về lương thực sẽ lớn hơn cầu về lương thực tới 2 triệu tấn và thương mại về gạo toàn cầu giảm 1 triệu tấn so với trước đó, chỉ đạt 30 triệu tấn.


Đây chính là nguyên nhân khiến thị trường gạo bớt sôi động so với những tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu tích cực nào xuất hiện. Đầu ra khó khăn đang là một thách thức rất lớn đối với ngành gạo xuất khẩu các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.


Thái Lan - nước xuất khẩu gạo hàng đầu đang đối mặt với những khó khăn trong xuất khẩu gạo. Khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm sút do các nước nhập khẩu chuyển dần sang các thị trường khác có giá cạnh tranh hơn. Xuất khẩu gạo của Thái Lan từ tháng 4/2010 đã giảm về lượng so với Việt Nam trong 2 tháng liên tiếp. Đây là sự kiện xảy ra lần đầu trong lịch sử xuất khẩu gạo của Thái Lan. Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường gạo thế giới. Thái Lan phải hạ mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2010 từ 9 triệu tấn ban đầu xuống còn 8 - 8,5 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2011 sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi Ấn Độ phục hồi xuất khẩu gạo. Thái Lan sẽ phải cạnh tranh với Ấn Độ trên thị trường châu Phi và Trung Đông. Có tin Thái Lan đã phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu gạo bằng việc thay thế số lượng bằng chất lượng gạo xuất khẩu.


Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu 3,586 triệu tấn gạo trong 4,9 triệu tấn đã ký hợp đồng đạt giá trị 1,58 tỷ USD. Tại Việt Nam, nguồn cung vẫn dồi dào nhưng việc tiêu thụ lúa hè thu đang gặp khó khăn do giá gạo thế giới xuống thấp, nhu cầu của các nhà nhập khẩu không cao. Khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm nhẹ 1% và chỉ đạt 5,9 triệu tấn. Có lẽ các nhà xuất khẩu gạo và Hiệp hội lương thực Việt Nam cần tính toán lại chiến lược xuất khẩu trong những năm tới. Đặc biệt khi mới đây Philippines dự báo sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu vào năm 2011.


Năm 2010, Philippines đã nhập 2,47 triệu tấn gạo chủ yếu từ Việt Nam nhằm bù đắp thiếu hụt do thiệt hại từ cơn bão Ketsana và Parma. Kế hoạch giảm lượng gạo nhập khẩu của Philippines đã tác động đến xu hướng giá ở thị trường gạo châu Á. Trong tuần từ 18-25/7 giá gạo trắng 100% loại B của Thái đã giảm từ 450 USD/tấn xuống còn 440 USD/tấn. Chính phủ mới của Philippines tuyên bố sẽ nỗ lực tăng sản lượng gạo trong nước để chấm dứt nhập gạo trong 3 năm tới.


Xuất gạo cho Philippines trong những năm gần đây chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc thị trường này giảm dần nhâp khẩu gạo sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực tìm kiếm thị trường mới hoặc giảm dần cơ cấu gạo chất lượng thấp thay thế vào đó là gạo chất lượng cao. Xa hơn có thể giảm sản xuất lương thực thay vào đó là trồng các loại cây trái cho giá trị cao hơn. Nếu không có những điều chỉnh chiến lược trong sản xuất xuất khẩu e rằng tình trạng càng sản xuất càng lỗ, càng trúng mùa càng rớt giá sẽ là căn bệnh kinh niên trong sản xuất gạo của Việt Nam