Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh để các công trình cùng phát huy hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, dư luận bày tỏ sự băn khoăn trước việc Sở GTVT Hà Nội di chuyển 2 cầu bộ hành trên đường Trần Khát Chân và Nguyễn Chí Thanh để thi công cầu vượt Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Huy Khang, Trưởng bộ môn Xây dựng đường ô tô - Sân bay, trường Đại học GTVT.

Điều chỉnh để các công trình cùng phát huy hiệu quả - Ảnh 1
 
Cầu bộ hành tại đường Nguyễn Chí Thanh tiếp tục đưa vào sử dụng cách vị trí cũ 100m.Ảnh: Yên Chi
 
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc di chuyển cầu bộ hành để xây dựng cầu vượt là thiếu tầm nhìn  trong công tác quy hoạch. Cá nhân ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Hiện nay, ở Hà Nội có hơn 20 cầu bộ hành. Trong quá trình xây dựng, cầu bộ hành được xác định sẽ giải quyết nhu cầu trước mắt, UTGT, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Với nhiệm vụ như thế nên tại thời điểm nào đó và tại vị trí được chọn, cầu vượt bộ hành đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, quá trình phát triển đô thị đòi hỏi phải xây dựng những công trình hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân thì tất nhiên phải có sự thay đổi.

Ngoài ra, trong quá trình thiết kế, xây dựng, những công trình này được thiết kế theo kiểu mô đun, lắp ghép nên việc di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong một thời điểm nào đó là chuyện bình thường. Theo tôi, đây chỉ là việc di chuyển chứ không phá bỏ hoàn toàn cầu bộ hành, toàn bộ phần trên của cầu sẽ được cất giữ, sử dụng cho việc xây dựng ở vị trí khác, cần xây dựng cầu vượt bộ hành.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực xây dựng 5 cây cầu vượt nhẹ tại những nút giao thông trọng điểm. Những công trình này đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc giảm ùn tắc tại Thủ đô, được dư luận đánh giá cao. Do vậy, việc di chuyển cầu vượt bộ hành để xây dựng cầu vượt nhẹ là việc làm cần thiết, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm UTGT, kiềm chế TNGT của Thủ đô.
 
Vậy, khi di chuyển cầu bộ hành liệu có ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi bộ hay không?

- Theo quan điểm của tôi, việc di chuyển cầu vượt bộ hành sẽ không ảnh hưởng đến việc đi bộ của người dân. Bởi, trong bất cứ một công trình giao thông nào, khi lập thiết kế, tiến hành xây dựng cũng đã được tính toán đến nhu cầu của người đi bộ. Cụ thể, đối với dự án cầu vượt nút Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, ngay từ khi lập dự án, TP và Sở GTVT đã lên phương án lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, biển báo… để đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường. Do vậy, việc di chuyển sang đường của người dân trước và sau khi di chuyển cầu bộ hành vẫn được bảo đảm. 

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của hệ thống cầu bộ hành ở Hà Nội?- Hiện nay, hệ thống cầu bộ hành trên địa bàn TP được chia ra thành 2 loại. Loại thứ nhất, những cầu được xây dựng ở những khu đông dân cư, khu mua sắm, trung tâm thương mại, trường học, siêu thị... Loại thứ 2, phục vụ cho người dân đi lại bình thường… Chúng ta không thể dựa vào lưu lượng bao nhiêu người qua lại cây cầu đó để đánh giá hiệu quả của một cây cầu được. Quan trọng nhất, là có cầu bộ hành thì trên tuyến đường sẽ không xảy ra ùn tắc và TNGT giữa người đi bộ và các phương tiện.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của cầu vượt và cầu bộ hành trong việc phát triển giao thông ở Thủ đô?

- Tất cả các công trình giao thông đều có vai trò riêng trong việc phát triển giao thông cũng như bảo đảm ATGT cho người dân. Cầu vượt có vai trò của cầu vượt, cầu bộ hành có vai trò của cầu bộ hành, hai thực thể đó bao giờ cũng gắn kết với nhau để đảm bảo giao thông thông suốt. Do vậy, hai hệ thống này đều có sự đồng bộ với nhau, tương tác với nhau, không tồn tại riêng lẻ. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định, mỗi công trình lại có những vai trò khác nhau. Do vậy, cơ quan quản lý có trách nhiệm phải điều chỉnh sao cho phù hợp để các công trình đó phát huy được tối đa hiệu quả. Việc di chuyển cầu bộ hành sang một vị trí khác là một trong những biện pháp như vậy. Ngoài việc tránh sự chồng chéo giữa hệ thống cầu bộ hành với các hệ thống đảm bảo an toàn cho người đi bộ tại cầu vượt, việc di chuyển cầu vượt bộ hành sẽ giảm chi phí xây dựng cầu bộ hành ở những khu vực khác đang có nhu cầu.
Xin cảm ơn ông!

Phân luồng phục vụ thi công cầu vượt Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh

Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo số 496/TB-SGTVT về việc phân luồng giao thông phục vụ tháo dỡ cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh thuộc dự án xây dựng cầu vượt Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh. Việc phân luồng có hiệu lực từ nay đến hết ngày 10/5. 

Theo đó, khi tháo dỡ cầu sẽ đóng đoạn đường Nguyễn Chí Thanh chiều từ Kim Mã đến Phạm Huy Thông, tổ chức cho các phương tiện đi 2 chiều trên phần đường còn lại. Tiếp đó, đóng đoạn đường Nguyễn Chí Thanh chiều từ Nguyễn Công Hoan đến Kim Mã; các phương tiện có nhu cầu qua đoạn đường này để đi ra phố Kim Mã đi theo hướng Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Công Hoan - Ngọc Khánh - nút giao Kim Mã. 

Trần Quý