Kinhtedothi - Chiều 6/3, tại buổi họp báo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá bán điện mới sẽ được thực hiện từ ngày 16/3 với mức điều chỉnh 7,5% theo sự chấp thuận của Thường trực Chính phủ.
Tăng giá, doanh thu của EVN tăng 17.000 tỷ đồng
Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN giải thích, theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng tháng, EVN sẽ tính toán các chi phí phát sinh hoặc chi phí giảm do điều chỉnh các thông số đầu vào và báo cáo Bộ Công Thương. Trong trường hợp các thông số tăng 7% - trên 7% thì việc điều chỉnh do Bộ Công Thương phê duyệt, nếu trên 10% thì báo cáo Thủ tướng. "Nếu dùng 50kWh đầu tiên thì chi phí tăng thêm chưa tới 5.000 đồng/tháng còn đối với các hộ sản xuất mức tăng sẽ dao động từ 0,6 - 6%" - ông Tri nói.
Hiện cả nước có 22 triệu hộ đang là khách hàng của EVN, để đáp ứng nhu cầu trên, lượng điện do EVN tự sản xuất chiếm 15 - 17%, còn lại 83% thì EVN phải mua từ bên ngoài. "Giá bán lẻ là kết quả của việc 83% lượng điện mua ngoài, nếu cung không đáp ứng cầu thì EVN sẽ phải mua giá cao, nếu cung vượt cầu và có sự cạnh tranh giữa các nhà máy thì EVN mua rẻ hơn. Việc mua bán diễn ra hàng ngày, có kiểm toán để xác định các khoản chi phí của EVN" - ông Tri cho biết.
Trước đó, trong tháng 1, EVN đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương cập nhật đến các chi phí tăng và giảm tính đến thời điểm 31/1, ước tính các chi phí đầu vào nếu tính đủ sẽ tăng trên 12%. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội thì EVN chỉ đề xuất mức tăng giá điện là 9,5%. "Dự kiến, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng được 17.000 tỷ đồng với mức tăng giá điện 7,5%, trong đó, EVN sẽ trích phần lớn cho đầu tư, một phần trích quỹ phúc lợi khen thưởng. Trong trường hợp chi phí mua điện tăng thì EVN cũng phải trích trả cho các đơn vị bán điện" - ông Tri giải thích.
Năm nay, chỉ điều chỉnh một lần?
Nói thêm về giá điện trong năm 2015, ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh, nếu giá điện, khí, than được giữ ổn định thì giá điện trong năm nay chỉ điều chỉnh một lần duy nhất. "EVN phục vụ vì xã hội là chính, không phải mục tiêu lợi nhuận, nhưng nếu không có vốn sẽ không có nguồn để tái đầu tư" - ông Tri nói thêm.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, từ thời điểm tăng giá điện gần nhất 1/8/2013 đã có nhiều chi phí phát sinh tác động lên giá điện. Ước tính, giá than tăng 22% từ tháng 7/2014. Giá khí đã điều chỉnh 4 lần trong 16 tháng qua cộng với thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, ngoài ra chênh lệch do điều chỉnh của tỷ giá đã làm EVN phát sinh các khoản lỗ còn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù giá dầu thô liên tục giảm sâu thời gian qua, nhưng vì điện chạy dầu trong cơ cấu sản lượng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,55% nên tác động đến giá điện rất nhỏ. "Việc điều chỉnh giá điện lần này đã có sự thẩm định của liên bộ Tài chính - Công Thương, giá điện điều chỉnh không phải mục tiêu vì lợi nhuận cho EVN mà chỉ tiến tới giá thị trường cho mặt hàng này" - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành hệ thống điện 110kV Bắc An Khánh, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
|
Trong đợt điều chỉnh lần này ở mức 7,5%, Bộ Công Thương cũng đã đánh giá tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI), kinh tế vĩ mô cũng như ảnh hưởng đến chi phí của các hộ sản xuất chính. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực |