Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh tăng phí sử dụng hè, lòng đường phải gắn với quản lý Nhà nước

Tin và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoothi - Ngày 14/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.

Đề xuất tăng phí từ 1,5 đến 3 lần

Tại hội nghị, đa số ý kiến của các nhà khoa học, các sở, ngành chức năng đều khẳng định, chủ trương của TP về điều chỉnh tăng phí hè, lòng đường là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và rất cần thiết, bởi quy định phí hiện hành đã qua 5 năm (ban hành năm 2012), không còn phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, đã tăng lên nhiều…
 Toàn cảnh hội nghị phản biện tăng phí hè đường trông giữ ô tô, xe máy. 
Ngoài ra, về phạm vi điều chỉnh với mục đích giúp TP thực hiện tốt hơn việc, quản lý nhà nước, quản lý đô thị. Trong đó, việc đưa ra các biện pháp để chấn chỉnh, quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe trên địa bàn TP là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo dự thảo, đề xuất tăng cao nhất đến 3 lần, không ít ý kiến cho rằng mức phí tăng như vậy là quá cao, sẽ khó cho người dân chi trả, cần làm rõ mục tiêu tăng phí.
Theo Cục Phó Cục Thuế Hà Nội ông Thái Dũng Tiến: Đề xuất giữ nguyên mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng để đảm bảo ổn định, an sinh xã hội. Chỉ điều chỉnh phí sử dụng đối với mục đích để trông giữ phương tiện.
Theo đó, Một là thống nhất thu theo mét vuông đối với các điểm trông giữ xe truyền thống của tất cả các đơn vị (bỏ hình thức thu theo tỷ lệ % doanh thu của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe tại các điểm trông giữ truyền thống ngoài quận Hoàn Kiếm), nhằm, đảm bảo nguyên tắc xác định mức thu phí quy định tại Điều 8 Luật phí và lệ phí là công bằng, bình đẳng giữa các DN thực hiện kinh doanh dịch vụ trong giữ xe; cũng như phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND của HĐND TP giao UBND TP… Hai là nâng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo mét vuông tại các quận tăng từ 1,5 đến 3 lần với lý do: Thực tế hiện nay mức giá dịch vụ trông giữ xe thu cao hơn so với quy định, đơn vị tổ chức trông giữ cũng không thực hiện kê khai, nộp thuế gây thất thu ngân sách Nhà nước….Hầu hết các đơn vị, cá nhân tổ chức trông giữ xe đều thu mức giá cao hơn quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng khi thường xuyên phải xử phạt, giải trình phản hồi của báo chí và dư luận xã hội, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ông Thái Dũng Tiến chia sẻ.
Qua khảo sát, Liên ngành đã báo cáo UBND TP trình HĐND TP mức thu phí cao nhất tại khu vực đô thị lõi (quận Hoàn Kiếm) là từ 80.000 đồng thành 240.000 đồng với việc sử dụng để trông giữ ô tô; Từ 45.000 đồng thành 135.000 đồng với trông giữ xe máy. Mức phí với các tuyến phố khác giảm dần, từ khu vực trung tâm hướng ra các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3.
Đối với các điểm ứng dụng công nghệ thông minh (iPaking), đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu. Việc triển khai ứng dụng Iparking trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân và DN. Dự kiến trong thời gian tới TP sẽ mở rộng mô hình này đối với các điểm trông giữ trên địa bàn TP.
 Chủ tịch UB MTTQ TP Vũ Hồng Khanh phát biểu với hội nghị phản biện tăng phí hè đường trông giữ ô tô, xe máy. 
Nêu cao vai trò giám sát của Mặt trận

Tại hội nghị, ông Vũ Thành Vĩnh (thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) cho rằng, tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè còn nhiều bất cập. Đề xuất Nghị quyết sửa đổi, bổ sung là một biện pháp tích cực, cần thiết, khẩn trương để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP về tăng cường quản lý các phương tiện giao thông đường bộ nhằm chống ùn tắc, chống ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm có liên quan tới người dân, bởi vậy Mặt trận mới phản biện. Đề nghị, khi Nghị quyết này được thông qua và triển khai, UB MTTQ cần tăng cường phối hợp với chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nêu cao vai trò giám sát của MTTQ.

TS.Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, cần làm rõ hơn về địa điểm, khu vực áp dụng cho điểm trông giữ xe tạm thời, vì trong hơn 1 năm vừa qua TP Hà Nội đã có điều chỉnh về việc trông giữ xe với chế độ và đặc biệt có nhiều quy chế quản lý mới. Thứ hai tình trạng lấn chiếm, khai thác vỉa hè vẫn còn nhiều và rất khó kiểm soát tình trạng này. Thứ 3, mức phí sử dụng đang nổi rõ sự thiếu công bằng giữa các đơn vị được giao. Do vậy, nhất thiết là phải có điều chỉnh. Các đại biểu cũng đề nghị từ vành đai 3 trở ra chưa tăng phí; đề xuất về thời điểm tăng phí phù hợp, đặc biệt là phải làm đồng thời giữa giá dịch vụ và phí cũng như nên có cơ chế mềm đối với các phương tiện của các cơ quan thụ hưởng ngân sách nhà nước để các cơ quan có chỗ đỗ xe…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch MTTQ TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, tình trạng trật tự của TP đang có nhiều bất cập. Hiện phí và giá trông xe đang quá bất hợp lý. Đã đến lúc TP phải quy hoạch lại vấn đề trông giữ xe vì một đô thị văn minh hiện đại. MTTQ TP Hà Nội đồng tình với đề xuất trên, bởi đây chính là một lĩnh vực dịch vụ đặc biệt, gắn với quản lý nhà nước. Ông cũng đề nghị, ban soạn thảo, tiếp thu, rà soát các văn bản, quy định pháp luật Nhà nước để bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết; để trình kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 tới và dự kiến áp dụng từ 1/1/2018.