KTĐT - Bên lề Hội thảo quốc tế “chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam” sáng 24/2 tại Hà Nội, phóng viên đã phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn về tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ đang được thực thi nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011.
- Xin ông đánh giá về quyết định thay đổi tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thực thi trong hơn nửa tháng qua?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Việt Nam đang đối mặt với lạm phát có nguy cơ gia tăng cao, tỷ giá từ lâu đã mất cân đối dẫn tới cán cân thanh toán thâm hụt; nhập siêu tăng cao. Bên ngoài thị trường, giá ngoại tệ cao hơn nhiều so với giá ngoại tệ trong ngân hàng. Ngay trong hệ thống ngân hàng, tình trạng hai giá khá phổ biến. Vì vậy việc điều chỉnh là đòi hỏi cấp thiết và tất yếu.
Yêu cầu đặt ra là giảm nhiệt nền kinh tế với ưu tiên số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Chính phủ phải giảm tổng cầu của nền kinh tế, giảm tín dụng, cung tiền, chi tiêu công thông qua điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính vì vậy, bước đi vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.
Tôi cho rằng, chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ trước mắt vẫn phải tiếp tục duy trì đến khi thị trường có những tín hiệu ổn định trở lại với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng được giảm tốc.
- Trong tỷ lệ lạm phát 11,75% năm 2010 của Việt Nam, yếu tố tiền tệ chỉ đóng góp 4,65%. Quan điểm của ông là gì trước thực tế chính sách thắt chặt tiền tệ đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn phát triển sản xuất và lãi suất có thể bị đẩy cao tiếp?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Khi lạm phát xảy ra, bất luận do nguyên nhân cung cầu hay chi phí đẩy hay cầu kéo thì chính sách tiền tệ luôn có trách nhiệm lớn. Đó là giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất cần làm ngay.
Về mặt tổng thể, tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn tới lạm phát. Khi chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ bị chững lại trong ngắn hạn. Đây là điều tất yếu.
Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì buộc phải thắt chặt tiền tệ, dẫn tới lãi suất tăng cao và các yếu tố khác sẽ phải hạ nhiệt. Khi lãi suất cao, về nguyên lý, các doanh nghiệp không đủ tiềm lực sẽ cân nhắc để cắt bỏ, tạm dừng triển khai các dự án; giúp “hạ nhiệt” nền kinh tế. Đây là “cái đau phải chấp nhận.”
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp buộc phải tính toán lợi nhuận để vay vốn mở rộng sản xuất. Vì vậy, không có chuyện các doanh nghiệp dám vay vốn bất chấp lãi suất để rồi mặt bằng lãi suất tiếp tục bị đẩy lên cao thêm trong bối cảnh thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là khi thắt chặt tiền tệ, chúng ta phải rà soát lại toàn bộ. Lãi suất của các ngân hàng thương mại tăng cao do nhiều yếu tố: chính sách thắt chặt tiền tệ chung, cung tiền giảm bớt và có cả chi phí của ngân hàng. Vì vậy, chi phí của ngân hàng cũng cần rà soát để giảm bớt, góp phần giảm chi phí giá vốn nói chung bởi lãi suất đầu vào chỉ là một yếu tố tạo nên chi phí của giá thành.
- Xin cám ơn ông./.