Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Điều chỉnh tỷ giá là hợp thức hóa thị trường”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đánh giá từ chính các ngân hàng, việc NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 9,3% là tất yếu, là hợp thức hóa những điều đã xảy ra trên thị trường thời gian gần đây.

KTĐT - Theo đánh giá từ chính các ngân hàng, việc NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 9,3% là tất yếu, là hợp thức hóa những điều đã xảy ra trên thị trường thời gian gần đây.

Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceabank) cho biết: Mức điều chỉnh sát 21.000 VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phù hợp, tránh cho thị trường giao dịch hai giá như thời gian qua.
 
“Chúng tôi nhận thấy sự điều chỉnh này là tất yếu, giúp thị trường phản ánh đúng hoạt động của nó. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian để thị trường nghe ngóng trước khi đi vào chu kỳ hoạt động ổn định”, bà Nguyễn Minh Thu nói.
 
Cũng theo bà Thu, hiện ngân hàng đã mua được USD dễ dàng hơn nhưng cầu ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Trên thực tế, trước khi tỷ giá được điều chỉnh, các ngân hàng đã có 1 cuộc đua huy động USD với lãi suất cao trên 6%/năm.
 
Theo khẳng định từ Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Thời điểm hiện nay là hoàn toàn thích hợp và thuận lợi để điều chỉnh tỷ giá, khi hiện nay trạng thái ngoại tệ của các NHTM dương rất lớn, nguồn ngoại hối khá dồi dào so với các lần điều chỉnh trước nên thị trường không hề bị “sốc”. Điểm khác biệt lớn nhất trong lần điều chỉnh này là NHNN đã đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá mới, với thông điệp có tính dài hạn hơn đối với thị trường.
 
Do đó, thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng cung ứng nguồn USD mà họ nắm giữ trước đó ra thị trường. Đây cũng chính là kỳ vọng mà các nhà điều hành hướng tới, là “làm ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng”.
 
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank): Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% vào ngày 11/2 không làm các ngân hàng thương mại (NHTM) bị “sốc” và bất ngờ. VPBank cũng như nhiều ngân hàng khác có sự chuẩn bị trước cho “sự kiện” này nên đã tiến hành các biện pháp làm tăng nguồn dự trữ ngoại hối, đẩy trạng thái ngoại tệ của ngân hàng lên mức dương từ rất sớm.
 
Số liệu mà ông Nguyễn Hưng cho biết thì tổng trạng thái ngoại tệ các NHTM hiện đang dương 184 triệu USD, cộng với lượng tiền ngoại tệ của doanh nghiệp xuất về dương trong tháng 1/2011 thêm khoảng 500 triệu USD nên tình hình ngoại tệ của khối NHTM đã được cải thiện nhiều.
 
Do đó, “việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng chỉ là hợp thức hóa những gì xảy ra trên thị trường thời gian gần đây”, ông Hưng nhấn mạnh. Bởi sự điều chỉnh này sẽ xóa bỏ được tình trạng thu phí ngoại tệ, khiến trong hệ thống xuất hiện tình trạng hai tỷ giá.
 
Trước đây, việc hợp thức hóa các khoản thu phí, ví dụ như phí chuyển khoản ngoại tệ, rất khó khăn và bản thân các ngân hàng cũng không hề muốn. Theo ông Hưng: “Giờ đây, cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn trong việc hoạch toán và công việc này cũng sẽ được tiến hành theo đúng giá trị giao dịch thực”.
 
Trước kia, NHTM phải mua USD với giá cao, nhưng sổ sách vẫn phải ghi 19.500 VND/USD, khi tỷ giá được điều chỉnh, khoản lỗ kinh doanh ngoại hối sẽ được chuyển thành lợi nhuận của năm nay. Theo ông Hưng, VPBank sẽ có khoảng 40 tỷ chuyển sang cho năm 2011, nếu không có khoản lỗ kinh doanh ngoại hối, năm ngoái VPBank lãi hơn 700 tỷ đồng.
 
Cũng theo nhận định từ vị tổng giám đốc này, việc tăng tỷ giá lần này còn giúp khơi thông dòng ngoại tệ, tác động tốt đến thị trường ngoại hối. Trước khi thông tin tỷ giá được công bố chính thức, những nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp thường có tâm lý chờ đợi và không muốn bán ngoại tệ ra.
 
Về tác động tới lạm phát trong năm 2011 từ việc điều chỉnh tăng tỷ giá lần này, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ với báo giới: “Trước đây khi còn làm ở NHNN, chúng tôi đã tính nếu tỷ giá tăng thêm 1% thì chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng thêm từ 0,15 - 0,2%.
 
Điều này có nghĩa là, nếu điều chỉnh tỷ giá khoảng 10% thì CPI cả năm có thể tăng thêm 2% do yếu tố tỷ giá. Còn tình hình hiện nay, chúng tôi chưa chạy được các chương trình để tính xem mức độ của nó lớn hơn trước hay bé hơn trước.
 
Nhưng rõ ràng là làm cho lạm phát có tăng lên. Tuy nhiên phải thấy rằng, sự điều chỉnh này diễn ra khi tỷ giá thực tế giao dịch trên thị trường chợ đen và chính thức cũng ở gần mức ấy. Vì thế, các yếu tố đầu vào, đầu ra tính theo tỷ giá mới thực ra đã có rồi. Nếu như tới đây giữ được ổn định ở mức tỷ giá NHNN đã điều chỉnh, thì tác động đối với lạm phát sẽ không lớn như tính toán một cách thuần túy lý thuyết”.