|
Bến xe Nước Ngầm là nơi tiếp nhận nhiều xe chuyển về nhất trong đợt sắp xếp lại luồng tuyến vận tải hành khách vừa qua. Ảnh: Ngọc Hải |
Trước đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã khẳng định, việc TP thống nhất điều chỉnh các tuyến VTHK liên tỉnh trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 là để góp phần giảm UTGT trong đợt cao điểm cuối năm. Hơn nữa, dịp Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, sẽ là cơ hội để khách làm quen với tuyến mới, giúp DN sớm ổn định kinh doanh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Việc điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến VTHK liên tỉnh là vì lợi ích chung của TP chứ không vì bất cứ nhóm lợi ích nào”.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi điều chuyển, các bến xe đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, không còn tình trạng quá tải, “vỡ” bến, nhất là trong các dịp Tết, lễ. Việc điều chuyển, sắp xếp cũng được người dân đồng tình, ủng hộ, đa số các DN vận tải chấp hành tốt. Sau điều chuyển luồng tuyến VTHK, lãnh đạo UBND TP đã chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đối thoại, tiếp thu và trả lời một cách thẳng thắn những phản ánh, kiến nghị của DN; chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN sớm ổn định kinh doanh.
DN phải chủ động nâng cao chất lượng phục vụ Theo các DN khai thác tuyến Thanh Hóa, lộ trình QL6 - đường Hồ Chí Minh, điều chỉnh từ Mỹ Đình về Bến xe Yên Nghĩa đã được làm rõ. Điều chỉnh như vậy là đúng theo quy hoạch do Bộ GTVT đưa ra tại Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT và đảm bảo công bằng giữa các DN. Liên quan đến ý kiến cho rằng QL6, đoạn Xuân Mai - Bến xe Yên Nghĩa, hạ tầng kém, thường xuyên ùn tắc giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Toàn bộ tuyến Yên Nghĩa - Thanh Hóa chỉ có 22 xe/ngày, chiếm khoảng 4% lượng xe khách có lộ trình từ Yên Nghĩa đi qua QL6. Hiện tất cả các tuyến vẫn hoạt động ổn định”.
UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng cường các tuyến xe buýt kết nối với bến xe, buýt bến nối bến và lên phương án thực hiện một số tuyến buýt đặc thù cho phép chở hành khách mang theo hành lý cồng kềnh để nâng cao khả năng trung chuyển hành khách cho các bến xe lớn, đặc biệt là: Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Giáp Bát. Nhưng để thu hút hành khách, không chỉ mạng lưới xe buýt mà các DN cũng cần phải chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, kết hợp với các bến xe, đem đến dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, đã giao các Sở, ngành liên quan giám sát các loại phí, lệ phí tại bến xe theo hướng giảm chi phí cho DN VTHK; nghiên cứu, xây dựng khung giá, phí tại các bến xe cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Cùng đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, yêu cầu Thanh tra Sở GTVT, CSGT phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục siết chặt kiểm tra, xử lý xe “dù”, bến “cóc”, xe khách “trá hình”, chạy sai luồng tuyền, đặc biệt là xung quanh bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, dọc tuyến Vành đai 3… Để giảm trùng lặp tuyến, đảm bảo ổn định cho các DN, Sở GTVT Hà Nội đang lên phương án cơ cấu lại các tuyến đi: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… giữa 2 bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát theo nguyên tắc mỗi tỉnh về một bến; tuyến ngắn về Giáp Bát, tuyến dài về Nước Ngầm. Sở GTVT Hà Nội đã có phương án điều chỉnh, tổ chức giao thông thuận lợi nhất cho khu vực quanh Bến xe Nước Ngầm; cải tạo, mở rộng thêm không gian giao thông, đảm bảo hạn chế tối đa UTGT cho cửa ngõ phía Nam.