Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều hành chính sách tiền tệ: Gánh nhiều việc cho chính sách tài khóa

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói năm 2016 chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những thành quả nhất định: Điều hành cung tiền hợp lý để ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát…

Cùng với đó là hài hòa trong sử dụng biện pháp hành chính kiên quyết với biện pháp kinh tế mềm dẻo.

Cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý

Điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ năm qua là chính sách tỷ giá. Chính sách này đã theo đúng cam kết của NHNN từ đầu năm, tỷ giá được điều hành theo phương thức mới, linh hoạt, điều chỉnh hàng ngày bám sát thị trường hơn. Làm theo cách này, NHNN đã chủ động dẫn dắt thị trường, thể hiện được vai trò “bình ổn thị trường” mà không bị ràng buộc bởi một lời hứa đóng khung nào.

“Trên thực tế, năm 2016 chủ yếu là biến động về chính trị như sự kiện Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%... đều nằm trong dự báo của giới chuyên gia, thị trường đã dựng sẵn “kịch bản” để chính sách tiền tệ kịp thời thích ứng” - PGS. TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội.  Ảnh: Hải Linh

Đánh giá về chính sách tiền tệ năm 2016, TS Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, cơ chế điều hành trung tâm trong năm qua đã khá thành công, nhờ đó tỷ giá không tạo ra những cú sốc đột ngột cho thị trường. Dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ giảm đi nhiều, từng bước giảm dần tình trạng đô la hóa thông qua biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất huy động USD. "Trong năm nay, NHNN đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn từ thị trường, giảm tình trạng đô la hóa, tỷ lệ tiền đô/M2 giảm xuống còn 10%, trong khi theo tiêu chuẩn IMF, tỷ lệ này nếu trong mức từ 16 - 30% là bị đô la hóa nhẹ, trên 30% là đô la hóa nặng. Chống đô la hóa cũng giúp nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ" - đại diện NHNN cho biết đồng thời khẳng định việc tăng dự trữ ngoại hối lên cao, có tác dụng lớn trong việc giảm chi phí đi vay trên thị trường quốc tế.

Chật vật với tái cơ cấu, nợ xấu

Sau 5 năm, NHNN đã quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết được vấn đề mất thanh khoản, bắt tay vào xử lý sở hữu chéo. Nhìn lại kết quả tái cơ cấu ngân hàng vừa qua, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) đánh giá, cái được lớn nhất là toàn hệ thống đã ổn định, nguy cơ đổ vỡ không còn. Thế nhưng, mục tiêu tái cơ cấu hoạt động và tổ chức quản trị chưa đạt được.

Dù NHNN đã mạnh tay xóa bớt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, nhưng tình trạng các đại gia đứng sau thâu tóm một hoặc vài ngân hàng vẫn diễn ra trong khi NHNN đang tìm bằng chứng xử lý. Ngoài ra, hạn chế là việc xử lý nợ xấu gây ảnh hưởng không tốt đến lãi suất, dòng vốn. Đây là vấn đề mà NHNN xử lý chưa thành công trong nhiều năm qua, hiện lĩnh vực ngân hàng vẫn thiếu cơ chế về xử lý tài sản đảm bảo, hình thành thị trường mua bán… nên sau khi đạt được kết quả khá tích cực từ năm 2012, tình hình xử lý nợ xấu đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Lãi suất hiện vẫn chưa giảm được như kỳ vọng, song theo ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước, cần nhìn nhận một cách lịch sử, khách quan và nghiêm khắc về chính sách tiền tệ thời gian qua. Trên thực tế, chính sách tiền tệ đã phải "gánh" nhiều phần việc cho chính sách tài khóa, bởi thời gian qua, nhu cầu vốn trung, dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi đáng lẽ, đây là trách nhiệm của thị trường vốn.

Từ những phân tích trên cho thấy, thời gian tới ngành ngân hàng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức . Đó là, dư địa chính sách tài khóa và tín dụng không còn nhiều. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của ngân hàng T.Ư các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính Việt Nam. Đi cùng với đó là quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các NHTM Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng… Điều này đỏi hỏi Chính phủ và NHNN cần tiếp tục coi xử lý dứt điểm nợ xấu và ngân hàng yếu kém là mục tiêu số một hiện nay. Phải có những cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, cải thiện nợ xấu, giảm lạm phát và tăng niềm tin người gửi tiền, đồng thời chú trọng nhiều hơn đến quản trị rủi ro.

Về biến động tỷ giá trong thời gian tới, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng, có những biến động bên ngoài có nhiều bất định nhưng sự điều chỉnh của NHNN sẽ bám chặt biến động của thị trường, và duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.