Kinhtedothi - Tăng cường kiểm soát, bình ổn và công khai giá
Chính phủ khẳng định, trong công tác điều hành giá cả thị trường, việc điều hành giá điện, xăng dầu, than đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, gắn liền với chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhất là trong các dịp lễ, Tết; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về thị trường, giá cả...
Báo cáo thẩm tra của Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã bảo đảm thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đi đôi với việc ban hành một số chính sách hỗ trợ hợp lý cho các đối tượng chính sách và việc công khai, minh bạch theo yêu cầu của Quốc hội.
Việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản bám sát theo sự biến động của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; chú trọng việc thực hiện chính sách xã hội. Chính sách điều hành giá vừa bảo đảm việc điều hành giá theo cơ chế thị trường, giảm việc bù lỗ của Nhà nước, tăng tính tự chủ của các cơ quan, đơn vị, vừa bảo đảm công bằng xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng chính sách.
Đồng thời, chú trọng hơn việc công khai, minh bạch để hạn chế những tiêu cực do tình trạng độc quyền của các tập đoàn nhà nước thông qua việc tổ chức họp báo công khai các nội dung về giá thành sản xuất, kinh doanh điện; công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, từng yếu tố cấu thành trong giá cơ sở của giá xăng dầu trong nước; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; niêm yết công khai mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; công khai mức đóng học phí...
Cùng với đó, chương trình bình ổn giá đã có một số đổi mới tích cực, như chuyển sang sử dụng vốn của doanh nghiệp để bình ổn giá, giảm gánh nặng cân đối ngân sách của nhiều địa phương; triển khai ở nhiều địa phương với nhiều hình thức phù hợp; các điểm bán hàng bình ổn giá được bố trí ở vị trí thích hợp.
Các cơ quan quản lý đã theo dõi sát giá các mặt hành bình ổn để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác quảng bá; tăng cường gắn kết lưu thông phân phối với người sản xuất, bán lẻ; mở rộng đối tượng thực hiện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao ý thức xã hội của các doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi triển khai các biện pháp đồng bộ để thực hiện Luật Giá. Trong đó, đã tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá; hệ thống pháp luật về quản lý giá đã được ban hành đúng tiến độ, kịp thời, tương đối đầy đủ và đồng bộ...
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số mặt hạn chết, trong đó việc điều hành giá các mặt hàng nói trên thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Việc triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập còn chậm so với lộ trình. Mặc dù giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ có lúc, có nơi còn chưa tương xứng với mức tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc triển khai thực hiện chính sách xã hội đối với giá một số mặt hàng (như việc hỗ trợ giá điện, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội) còn chậm.
Do đó, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời khắc phục để quản lý tốt hơn giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nêu trên, vừa bảo đảm tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, áp dụng biện pháp tích cực để sớm đưa các chính sách vào cuộc sống; có biện pháp tích cực hơn nữa, bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ của việc công khai, minh bạch; thường xuyên đánh giá để có cách làm phù hợp, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn giá…
Theo sát diễn biến cung cầu thị trường
Báo cáo trong phiên họp Chính phủ mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, qua theo dõi cho thấy xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường. Để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có các mặt hàng thiết yếu khác, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường. Các Sở Tài chính địa phương cần kịp thời tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trước hết là đối với các mặt hàng như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG),...; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, thực hiện giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; đối với các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá xăng, giá dầu, giá các yếu tố đầu vào khác, trong quá trình kiểm tra, rà soát mức giá kê khai cần chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn và yêu cầu tổ chức, các nhân sản xuất kinh doanh thực hiện kê khai giá phù hợp.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để giám sát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá thuộc thẩm quyền của địa phương; trường hợp phải điều chỉnh, phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh cùng một thời điểm, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015.
Ngày 22/9, Cục Thống kê Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2015 lần lượt giảm 0,1% và 0,47% so với tháng trước.
Tại Hà Nội, trong tháng 9, nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 1,39% do tăng học phí các trường đại học, cao đẳng theo lộ trình tăng giá học phí. Nhóm hàng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng (tăng 0,13% so với tháng trước). Trong tháng 9, chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh (giảm 3,28%), do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm hai lần vào các ngày 19/8 và 3/9. Tiếp đến là hai nhóm hàng là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 0,7%) do giá gas, dầu hỏa giảm.
CPI tại TP Hồ Chí Minh tháng 9 tiếp tục giảm 0,47% so với tháng trước. Đóng góp vào mức giảm chung của chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tháng 9 có 6 trong 11 nhóm hàng giảm.
Ảnh minh họa.
|