Nương theo quy luật thế giới
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo dõi biến động xăng, dầu từ năm 2010 đến nay cho thấy, giá xăng dầu thế giới thường tăng cao trước và sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân do thời điểm này một số nước ở châu Á nghỉ Tết, trong khi vẫn là mùa lạnh ở châu Âu. Cùng với đó là những tác động từ các yếu tố chính trị, kinh tế khác nên giá xăng, dầu bị ảnh hưởng. Nắm được quy luật đó nên trong thời gian qua, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2013, mặc dù giá xăng, dầu thế giới liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đã có công văn đề nghị điều chỉnh giá bán nhưng liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 2 lần sử dụng Quỹ bình ổn để giữ giá.
Ngày 21/1, liên bộ đã sử dụng phương án xả Quỹ bình ổn giá xăng, dầu lần thứ 1. Đến ngày 8/2, trước kỳ nghỉ Tết Quý Tỵ, hai bộ lại tiếp tục cho xả Quỹ bình ổn lần thứ 2 và tiếp tục theo dõi diễn biến giá thế giới. Sau Tết, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng. Khi đó, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng giá bán lẻ xăng, dầu lên 1.500 đồng/lít. Nếu cộng với 300 đồng lợi nhuận/lít định mức, mỗi lít xăng dự kiến tăng 1.800 đồng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc chỉ số CPI 2 tháng đầu năm đã tăng 2,68%, nếu tăng giá xăng, dầu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ, liên bộ đã quyết định không tăng giá bán lẻ mà tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn lần thứ 3 nhằm giữ giá và kích thích cầu tiêu dùng.
Mua bán xăng, dầu tại một cây xăng trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy, quyết định này của liên bộ là hoàn toàn chính xác bởi hiện giá xăng A92 trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm. Nếu như ngày 26/2 giá xăng A92 là 132 USD/thùng thì hiện nay (ngày 4/3) chỉ còn 123 USD/thùng và đang có chiều hướng tiếp tục giảm. Điều đó cho thấy việc điều hành giá xăng, dầu đã nương theo quy luật thị trường bởi giá cơ sở đang thấp dần, do giá thế giới giảm.
Kiểm soát thị trường cung ứng
Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm cũng như hướng xử lý của các lực lượng chức năng trước việc một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu dừng hoặc cắt giảm thời gian bán hàng, găm hàng chờ tăng giá, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương cho biết: Thông thường các năm trước hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá diễn ra hàng loạt. Nhưng lần này, ngay sau khi có tin đồn, Cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu cũng như các đơn vị cung ứng. Kết quả kiểm tra cho thấy, có những cây xăng ngừng bán hàng từ lâu, một số cây xăng do dây dưa về công nợ nên doanh nghiệp đầu mối chậm cung cấp trong vòng 1 - 2 ngày nhưng sau đó cũng được giải quyết ngay. Qua công tác kiểm tra cũng cho thấy nguồn dự trữ của các doanh nghiệp cung ứng vẫn đảm bảo đủ 30 ngày theo quy định. Tuy nhiên, ông Lam cũng thừa nhận: "Mặc dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều cây xăng lách luật dưới hình thức như cắt giảm thời gian bán, bán cầm chừng…".
Trong những ngày gần đây, tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới đang có chiều hướng lan rộng. Ngày 3/3, tại vùng biển Quảng Ngãi, lực lượng chức năng đã bắt giữ vụ buôn bán trái phép 10.000 lít dầu diesel. Theo Cục QLTT, nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là do giá xăng, dầu Việt Nam với các nước lân cận như Campuchia đang có sự chênh lệch khá lớn từ 4.000 - 6.000 đồng/lít. Nhằm ngăn chặn hoạt động này, trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới và nội địa. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu này, liên Bộ Công Thương - Tài Chính cần xây dựng cơ chế điều hành xăng, dầu linh hoạt theo hướng giảm chênh lệch giá giữa Việt Nam với các nước lân cận. Bên cạnh đó, QLTT cũng cần đẩy mạnh sự phối kết hợp với các lực lượng chức năng như công an, biên phòng Việt Nam và cả nước bạn trong việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: "Điều quan trọng hơn cả là chính quyền các địa phương khu vực biên giới cần có những biện pháp mạnh, đặc biệt là trong việc xử lý các hành vi tiếp tay cho buôn lậu".