Tại kỳ điều hành ngày 2/5 sau tăng giá, xăng RON 95 vượt mức 22.000 đồng lít, lên tối đa 22.191 đồng; xăng E5 RON 92 tối đa 20.688 đồng một lít. Dầu diesel có mức giá mới 17.695 đồng, dầu hoả 16.625 đồng. Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 3 liên tiếp kể từ ngày 18/3, tổng cộng mỗi lít xăng đắt thêm gần 4.000 đồng/ lít.
Lý giải việc tăng giá xăng Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 2/5 là: 80,294 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,399 USD/thùng); 82,281 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,473 USD/thùng); 83,792 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 1,801 USD/thùng); 83,853 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,129 USD/thùng); 442,103 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 13,777 USD/tấn).
Thế nhưng chốt phiên giao dịch ngày 2/5, thời điểm giá xăng trong nước điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/lít, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại giảm đến 1,86 USD xuống 61,74 USD/thùng. Theo dự báo, do sản lượng dầu của Mỹ tăng, nên đà giảm này hướng tới tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp.
Tương tự, giá dầu Brent biển Bắc cũng giảm 1,62 USD/thùng xuống 70,56 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã giảm gần 3% giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Bảng giá năng lượng thế giới ngày 3/5 cũng tiếp tục giảm, dầu WTI tiếp tục giảm mỗi thùng 0,06% và dầu Brent giảm 0,27% so với ngày 2/5.
Đây không phải là lần đầu tiên giá xăng trong nước tăng trong bối cảnh giá dầu thế giới lại giảm. Tại lần điều chỉnh giá xăng kỳ trước (ngày 17/4), giá bán lẻ xăng tăng 1.200 đồng/lít. Cùng ngày, giá dầu Bent thế giới giảm 0,1%, đến ngày 18/4, giá dầu Bent giảm 11 cent/thùng (giảm 0,2%) so với phiên trước và dầu WTI giảm 9 cent/thùng.
Thực tế điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua cho thấy, hiện giá xăng dầu tại Việt Nam điều chỉnh giá theo chu kỳ 15 ngày/lần vì vậy giá xăng dầu Việt Nam luôn điều chỉnh không theo nhịp tăng giảm của thế giới. Chẳng hạn khi giá dầu thế giới tăng liên tục, nhưng giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh ngay mà chờ hết 15 ngày theo đúng chu kỳ mới điều chỉnh, khiến giá tăng sốc gây khó khăn cho người tiêu dùng. Hoặc ở chiều ngược lại, khi giá dầu thế giới giảm liên tục, nhưng trong nước vẫn phải điều chỉnh tăng do mức bình quân 15 ngày tăng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực tế giá xăng dầu Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ biến động giá xăng dầu thế giới. Không hẳn là đi ngược thế giới nhưng rõ ràng giá thế giới biến động từng ngày, trong nước không theo kịp.
Để khắc phục điểm yếu này ông Ngô Trí Long đề xuất cơ quan quản lý phải tính được giá cơ sở, theo công thức có sẵn, từ đó có chính sách quản lý rủi ro theo sát giá xăng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi liên bộ Công Thương - Tài Chính phải nâng cao năng lực bám sát và dự đoán diễn biến thị trường từ đó đưa ra phương án điều hành phù hợp nhịp điệu thị trường.