Lễ hội dự kiến diễn ra từ 8 giờ đến 11 giờ, được chia thành 7 khối chính, diễu hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực quảng trường sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước cửa Lục Thủy, ngã tư Bà Triệu - Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền.
|
Lễ hội đường phố Carnaval tại hồ Hoàn Kiếm tháng 9/ 2017. Ảnh: Văn Phúc |
Xếp đầu của khối diễu hành nghệ thuật là 800 nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của Thủ đô Hà Nội: Múa rồng, lân, chạy cờ, trống hội, múa rối cao, múa con đĩ đánh bồng, múa bài bông, múa sênh tiền, rước đám cưới cổ, rước Trạng vinh quy. Khối làng nghề có sự tham gia trình diễn của 400 người, trong đó có khoảng 300 nghệ sĩ chuyên nghiệp, trình diễn múa hoa sen, hoa đào, hoa mai. Các nghệ nhân, đội văn nghệ của các làng nghề truyền thống nổi tiếng sẽ trình diễn múa nón (làng Chuông, huyện Thanh Oai), múa lụa (Vạn Phúc, Hà Đông), múa hoa (làng hoa Mê Linh). 700 người cao tuổi sẽ biểu diễn múa quyền, đánh côn, tập dưỡng sinh. 300 vận động viên cùng đồng diễn wushu, karate, taekwondo, đồng diễn thể thao, erobic và dance sport. 700 học sinh, sinh viên với trang phục truyền thống cùng cờ, hoa, bóng bay nhiều màu sắc, tạo thêm mảng màu rực rỡ trong đoàn diễu hành.
“Hà Nội sau 10 năm hợp nhất có rất nhiều làng nghề, sự biến chuyển về phát triển kinh tế - xã hội cũng đã khác. Làng hoa của Hà Nội đã dịch chuyển, các cánh đồng hoa bát ngát không còn ở Ngọc Hà mà là vùng đất Mê Linh. Các điệu múa cổ như con đĩ đánh bồng, múa sênh tiền… vẫn được Nhân dân gìn giữ chờ cơ hội được quảng bá tại vùng trung tâm” – Tổng đạo diễn Thúy Mùi cho biết lý do hội tụ các nét tinh hoa văn hóa trong lễ hội diễu hành nghệ thuật đường phố ở Hồ Gươm lần này.
Đặc biệt, dịp này có hàng trăm người mẫu sẽ cùng mặc áo dài cổ Hà Nội, áo dài cách tân Hà Nội thuộc các bộ sưu tập mới nhất do các nhà thiết kế tại Thủ đô thực hiện. 300 nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian khác sẽ biểu diễn đi cà kheo trên nền nhạc chiêng, trống, biểu diễn các tiết mục xiếc vui nhộn, như xiếc đường phố, ảo thuật đường phố, tung hứng, lắc vòng, trượt patin, nhảy hip-hop. Khép lại đoàn diễu hành sẽ là vũ hội carnaval gồm 10 khối màu sắc, với khoảng 1.700 bạn trẻ trong trang phục các loại cùng nhảy đồng diễn trên nền nhạc. Người dân tham gia sẽ tự nối dài theo đội hình của ban tổ chức để cùng diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm.
Tâm huyết vì Hà Nội của 4 nữ nghệ sĩĐiều đặc biệt, đảm nhiệm vai trò dàn dựng và đạo diễn lễ hội là 4 nữ nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật sân khấu Thủ đô: NSND Thúy Mùi (Tổng đạo diễn), NSND Lê Khanh, NSND Hương Thơm, NSƯT Mai Hương. Theo NSND Thúy Mùi, 4 nghệ sĩ không khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung để thực hiện chương trình này. Lê Khanh là người yêu văn hóa Hà Nội, lúc nào cũng đắm đuối với tình yêu ấy. Chị là người xây dựng ý tưởng của carnaval lần này. Hơn nữa, bằng sự khát khao làm nên một chương trình nghệ thuật cho Hà Nội, họ đã không mất quá nhiều thời gian cho các giai đoạn từ khâu hình thành đến khâu thuyết phục các cơ quan chức năng chấp thuận và cấp phép.
Những ngày này, 4 nữ nghệ sĩ một tay lo chuẩn bị trang phục cho các thành viên tham gia diễu hành (chủ đạo là áo dài Hà Nội từ cổ xưa đến hiện đại), một tay hăng hái tìm kiếm các nguồn đạo cụ vừa đảm bảo “chất” Hà Nội nhưng lại… rẻ. “Chương trình được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa. Tất cả đều bằng tấm lòng của những người yêu Hà Nội. Chính vì vậy, có những dàn cảnh tái hiện làng hoa Ngọc Hà, hoa Mê Linh…, cần nhiều hoa tươi, chúng tôi phải liên hệ với các làng hoa để có thể mua được giá gốc từ các vườn hoa…” - NSND Thúy Mùi chia sẻ. Các nghệ sĩ cũng mong muốn, hoạt động diễu hành nghệ thuật quanh Hồ Gươm lần này sẽ tạo ra điểm hấp dẫn để những người yêu Hà Nội cảm nhận và thấu hiểu về sự biến đổi không ngừng của Thủ đô sau 10 năm hợp nhất.